baner
Trang chủ » Tin tức - Sự kiện

Giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ Việt Nam theo tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(20/08/2019)

 

 Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, yêu cầu tiên quyết đối với thế hệ trẻ Việt Nam ở mọi thời đại trước hết là phải yêu nước, trung thành với Tổ quốc.

Đã nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại về với thế giới người hiền, để lại muôn vàn tiếc thương cho nhân dân Việt Nam, nhưng tư tưởng, khát vọng thiêng liêng nhất của Người không mất đi mà tỏa sáng và lưu dấu trong bản Di chúc bất hủ. Trong Di chúc, Người viết: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Người cũng nhấn mạnh: “ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên” . Lời di huấn của Người đã chỉ ra con đường xây dựng và củng cố thành tựu cách mạng trong suốt những giai đoạn lịch sử vừa qua, không ngừng thôi thúc biết bao thế hệ thanh niên nỗ lực rèn luyện, học tập, phấn đấu làm theo tư tưởng vĩ đại, đạo đức sáng ngời và phong cách mẫu mực Hồ Chí Minh, tạo tiền đề vững chắc để sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc được kế thừa, phát huy và tỏa sáng rực rỡ.

Các thế hệ cách mạng đi trước đã mở ra kỷ nguyên độc lập tự do cho đất nước Việt Nam. Nước Việt Nam ngày nay cũng không ngừng được trẻ hóa, và thế hệ những con người cách mạng mới đang từng ngày hun đúc thêm niềm tin mãnh liệt vào tương lai của dân tộc. Trong tiến trình ấy, sự kiên định đối với Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chính là ngọn lửa thắp sáng con đường dẫn dắt thanh niên tiến bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Để thế hệ cách mạng mới tiếp bước và nối dài những thành tựu lớn lao của lịch sử cách mạng, chúng ta cần bồi dưỡng, định hướng tư tưởng và lý luận cho thế hệ trẻ, trong đó trước hết phải xác định những yêu cầu và thách thức đặt ra.

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, yêu cầu tiên quyết đối với thế hệ trẻ Việt Nam ở mọi thời đại trước hết là phải yêu nước, trung thành với Tổ quốc. Yêu nước là tình cảm thuần khiết và cao thượng nhất của mỗi con người, giá trị quan cốt lõi của chủ nghĩa xã hội cũng chính là tinh thần yêu nước. Qua lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, các thế hệ thanh niên càng thấm thía hơn giá trị những hy sinh mất mát của ông cha để có được đất nước ngày nay vinh quang tươi đẹp, từ đó thêm trân trọng hơn nguồn cội quê hương, nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của bản thân đối với Tổ quốc. Yêu nước là tự hào về đất nước, thanh niên cần có hiểu biết nhiều hơn về truyền thống văn hóa Việt Nam, cần thấm nhuần truyền thống cách mạng, cần trân trọng tinh hoa văn hóa hiện đại của dân tộc. Và sau cùng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thế hệ trẻ luôn trung thành với Tổ quốc, sẵn sàng cống hiến và hy sinh cho dân tộc.

Thế hệ trẻ phải không ngừng tu dưỡng tâm trong, đức sáng. Những phẩm chất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn thanh niên tu dưỡng và hướng đến chính là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Đạo đức là cái gốc của mỗi con người. Tuổi trẻ càng phải đặt việc rèn luyện đạo đức lên hàng đầu. Việc tự tu dưỡng là công việc hàng ngày và làm đến suốt đời. Tuổi trẻ là cơ hội để con người sớm xây dựng nền tảng đạo đức tốt đẹp, từ đó vạch ra chuẩn mực cho mọi giá trị nhân sinh. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói “Có tài mà không có đức là người vô dụng…”, nhấn mạnh vai trò đạo đức được đặt lên hàng đầu, thức tỉnh thanh niên chú trọng tới tu dưỡng, điều chỉnh hành vi cho phù hợp với chuẩn mực đạo đức và giá trị quan cốt lõi. Từ cấp độ cá nhân phải tu dưỡng cho tốt mới có thể tạo tiền đề để tăng cường tu dưỡng ở cấp độ tập thể cao hơn.

Thế hệ trẻ cần có tinh thần cầu thị, hiếu học. Học tập là quá trình không ngừng tích lũy, là quá trình tạo dựng nền tảng cho hoạt động thực tiễn. Thanh niên phải có lý tưởng nhân sinh cho bản thân, mà muốn thực hiện lý tưởng đó trước hết cần phải học tập và tích lũy. Càng tích lũy được nhiều tri thức thì càng thấy được những hạn chế thiếu sót của bản thân, từ đó mới có khả năng để khắc phục và hoàn thiện, mới đủ năng lực để cống hiến cho Tổ quốc, cho xã hội. Việc học tập của thanh niên không chỉ dừng lại trong khuôn khổ sách vở, mà hơn thế nữa chính là việc học cách tư duy độc lập. Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, trước một biển tri thức vô tận, việc nắm được tri thức cốt yếu và cần thiết chính là dựa vào khả năng tư duy độc lập, và khả năng này cũng có được nhờ quá trình tự rèn luyện kiên trì và lâu dài. Tuổi trẻ như mùa xuân của cuộc đời, là giai đoạn mà khả năng tiếp thu ở mức cao nhất, cần nắm bắt cơ hội này để tranh thủ học và hoàn thiện bản thân, tạo cơ sở vững chắc cho cuộc sống tương lai sau này.

Thế hệ trẻ cần chú trọng bám sát thực tiễn, nhất quán giữa nhận thức và hành động. Xã hội hiện đại có sự giao thoa phức tạp của nhiều quan niệm tư tưởng, thanh niên thường chưa có nhiều sự trải nghiệm, dễ bị chi phối bởi ngoại cảnh, đôi khi còn có phần mơ hồ trong định hướng tương lai, chưa dễ định hình nhân sinh quan, giá trị quan và thế giới quan. Do đó trong mỗi việc làm của thanh niên, đôi khi khát vọng thì có thừa mà hành động thì chưa đủ, thậm chí nói rồi để đó không làm, dần dà đánh mất niềm tin vào chính mình. Thanh niên muốn làm nên sự nghiệp lớn, trước hết cần có chí hướng rõ ràng, bên cạnh đó cần nỗ lực hết mình, làm việc lớn bắt đầu từ những việc nhỏ, tự hình thành tinh thần mẫn cán, nghiêm túc, nhằm tích lũy sự tự tin và thái độ tích cực trước mọi công việc.

Thế hệ trẻ cần không ngừng phấn đấu, dũng cảm và trách nhiệm. Người chủ động tích cực, nắm bắt định hướng cuộc đời sẽ luôn luôn tự khích lệ bản thân tiến bộ. Thanh niên cần có chí khí, quyết tâm đạt tới mục tiêu, dũng cảm chấp nhận thất bại và không bao giờ buông xuôi, và thử thách càng lớn lao thì thanh niên càng thực sự trưởng thành. Thế hệ thanh niên mạnh mẽ thì đất nước hùng cường, và trách nhiệm của thanh niên trước hết là trách nhiệm đối với chính mình, có trách nhiệm với lời nói, việc làm của bản thân. Cao hơn nữa, thế hệ trẻ còn cần phải đảm đương trọng trách mà lịch sử giao phó, đó chính là trách nhiệm với xã hội, với đất nước. Thanh niên Việt Nam với lý tưởng và giá trị nhân sinh chân chính, luôn là lực lượng đóng góp trí tuệ, sức trẻ vào sự nghiệp phát triển nước nhà, thúc đẩy tiến bộ xã hội và phồn vinh dân tộc.

Để giáo dục, bồi dưỡng cho thanh niên đáp ứng được những yêu cầu nói trên, chúng ta cần vượt qua những thách thức lớn đang đặt ra hiện nay trong hoạt động học tập, công tác và đời sống thanh niên. Đó chính là vấn đề về lý tưởng và giá trị quan, về sự trau dồi lý luận, về tính tích cực của tuổi trẻ trong học tâp, tu dưỡng.

Không ít thanh niên trong thời đại ngày nay thiếu niềm tin lý tưởng và giá trị quan đúng đắn. Hiện nay trên thế giới đang diễn ra quá trình toàn cầu hóa ngày một sâu rộng, kinh tế xã hội có nhiều biến chuyển to lớn, những tư tưởng sai trái không ngừng công kích từ bên ngoài, nhắm vào đối tượng thanh niên, hòng tìm một chỗ đứng nhất định trong đời sống thế hệ trẻ của đất nước, biểu hiện ở những thông tin ngụy tạo trong nhiều lĩnh vực, đe dọa tới địa vị chủ đạo của ý thức hệ Mác - Lênin. Như chủ nghĩa hư vô lịch sử, luôn tìm cách tấn công hòng bôi nhọ lịch sử Đảng ta và đất nước ta, làm xấu đi hình ảnh của những lãnh tụ của Đảng. Chủ nghĩa tân tự do muốn các nước cộng sản từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa, phát triển theo mô hình thể chế tư bản chủ nghĩa của các nước phương Tây. Những trào lưu này dùng nhiều phương thức để lan tỏa trong môi trường học tập và đời sống của tầng lớp thanh niên trong trường học, ngoài xã hội và trên môi trường Internet, khiến cho một bộ phận tri thức trẻ chịu ảnh hưởng và dao động về mặt tư tưởng, khiến niềm tin và sự tu dưỡng các phẩm chất Đảng bị lung lay dữ dội. Một bộ phận không nhỏ thanh niên trở nên hoài nghi đối với lý tưởng, quan điểm, nhận thức của chủ nghĩa Mác - Lênin, đánh mất sự kiên định theo con đường xã hội chủ nghĩa. Chịu ảnh hưởng từ trào lưu của chủ nghĩa tiêu dùng và chủ nghĩa hưởng lạc, nhiều thanh niên không ngần ngại từ bỏ những phẩm chất tốt đẹp vốn được bảo lưu từ ngàn đời của dân tộc như cần lao tiết kiệm, phấn đấu hy sinh, mà dần quen với tệ tham tài, háo danh, chạy theo lợi ích cá nhân, rơi vào cơn khủng hoảng của định hướng lý tưởng và chuẩn mực giá trị, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự trưởng thành nhân cách và năng lực.

Thanh niên dễ sa vào chủ nghĩa hình thức, chưa bám sát yêu cầu thực tiễn của việc trau dồi lý luận. Hiện nay, nhiều thanh niên đang bỏ qua tầm quan trọng thực tiễn của việc học lý luận chuyên sâu. Có nhiều người nghĩ rằng kiến thức chuyên môn mà họ đã học là quá nhàm chán và khó hiểu, rất khó để tạo được hứng thú mạnh mẽ với môn học. Đồng thời, đối với nhiều sinh viên đại học, tri thức về việc làm sau khi tốt nghiệp lại không có mối quan hệ thực sự mật thiết với hệ thống chuyên ngành đã học, họ cho rằng kỹ năng là căn bản, còn kiến thức chuyên môn không quan trọng bằng. Tuy nhiên, đây là nhận thức chưa đầy đủ, bởi những kiến thức lý luận được trang bị trong nhà trường sẽ phát huy vai trò trong thực tiễn ở một mức độ nào đó, không chỉ trong lĩnh vực chuyên môn, mà cả trong cuộc sống, trong định hướng lý tưởng, hành động.
Thanh niên đôi khi thiếu tính tích cực, sự tập trung trong các giờ học chính trị. Các khóa học, các lớp bồi dưỡng về tư tưởng chính trị là con đường chủ yếu nâng cao trình độ nhận thức lý luận cho thanh niên. Tuy nhiên, một bộ phận thanh niên không coi trọng việc học tập, thiếu tinh thần tự giác, tích cực, cho rằng kiến thức giảng dạy quá cao siêu, khó hiểu, không chịu khó giao lưu trao đổi với thầy giáo và bạn học, không dành sự tập trung thích đáng cho việc học, chỉ quan tâm tới đời sống ảo, tương tác điện thoại, mạng xã hội và những cám dỗ viển vông… Do vậy, ngay cả đối với những giảng viên dạy lý luận chính trị, việc làm thế nào để nâng cao tinh thần học tập cho người học, cải tiến mô hình dạy học, đổi mới phương pháp tiếp cận chính là vấn đề cần suy ngẫm, quan trọng là thông qua những những hình thức giáo dục tư tưởng và truyền thụ lý luận ra sao để tăng cường sức hấp dẫn và tính khích lệ đối với thanh niên.

Những thách thức đặt ra nếu không có biện pháp khắc phục sẽ kìm hãm việc phát triển tri thức lý luận cho bản thân tầng lớp thanh niên và ảnh hưởng tới tiền đề các phẩm chất Mác-xít mà qua đó, thanh niên mới có thể có được nền tảng tốt nhất nhằm tiếp thu tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đó để thấy được rằng, yêu cầu cấp bách hiện nay chính là vạch ra con đường cụ thể để định hướng và bồi dưỡng cho thế hệ trẻ cách mạng.
Trong thời đại ngày nay, thế hệ cách mạng mới đang đứng trước những vận hội lớn. Những phẩm chất cách mạng cùng ưu thế tuổi trẻ của thanh niên đang không ngừng được thúc đẩy, làm thế nào để phát huy một cách mạnh mẽ tinh thần yêu nước, làm thế nào để củng cố hiệu quả nền tảng tư tưởng, làm thế nào để tạo dựng chắc chắn phòng tuyến lý luận cho đội ngũ thanh niên cách mạng, phải xác định rõ những vấn đề này để hoàn thành trọn vẹn tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thế hệ cách mạng đời sau. Việc giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ Việt Nam theo lời dạy của Người, phải vừa “hồng” vừa “chuyên”, tức là phải đảm bảo vẹn toàn cả phẩm chất chính trị và trình độ chuyên môn.

Trong việc đáp ứng những yêu cầu đối với thế hệ trẻ cũng như vượt qua được những thách thức đặt ra, vai trò của tổ chức đảng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Việc giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ trước hết cần phát huy tính chủ thể của tổ chức đảng. Muốn giáo dục và định hướng cho thanh niên, cần tăng cường vai trò chủ thể của đảng ủy nhà trường, cơ sở giáo dục. Tổ chức đảng cần phân công rõ ràng trách nhiệm mỗi cá nhân, xây dựng chương trình tổng thể, đảm bảo công việc triển khai thuận lợi, tạo điều kiện tốt cho công tác giáo dục, bồi dưỡng cán bộ trẻ, học viên và đoàn viên thanh niên. Đảng ủy căn cứ vào tình hình thực tế, tiến hành nghiên cứu giải quyết những vấn đề tồn tại về mặt tư tưởng của cán bộ, học viên trẻ, quan tâm tới xu hướng tư tưởng, tình cảm trong công việc và cuộc sống của thanh niên, từ đó có giải pháp định hướng và hỗ trợ kịp thời.

Trọng tâm là tăng cường học tập và nghiên cứu lý luận. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những tài sản quý báu nhất của Đảng ta, là vũ khí lý luận quan trọng nhất giúp đất nước ta vượt qua vô vàn thách thức của lịch sử để tiến bước lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn giáo dục, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ Việt Nam thì một trong những nhiệm vụ cốt lõi chính là nâng cao phẩm chất lý luận cho họ. Các giải pháp cụ thể chính là tích cực tổ chức những hoạt động nghiên cứu kinh điển và báo cáo học thuật. Các chi bộ đảng của sinh viên và cán bộ trẻ cần tích cực hơn trong việc nghiên cứu bám sát các tác phẩm kinh điển Mác-Lênin, tổ chức các hoạt động trao đổi, giải thích lý luận, làm rõ các nguyên lý cơ bản, khiến cho chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở nên phổ biến, dễ hiểu, khích lệ được người học, từ đó củng cố thêm niềm tin lý luận, tăng cường tu dưỡng tính đảng, giúp cho mỗi người học trẻ tuổi đều tự giác trở thành người lính trên mặt trận tư tưởng chiến đấu cho niềm tin và lý tưởng của Đảng ta.

Nhằm tăng cường trình độ nghiên cứu khoa học cho thanh niên, chúng ta cần mở rộng nhãn quan học thuật hơn nữa, kiến tạo nên môi trường giao lưu, trao đổi khoa học, trường học, các viện nghiên cứu cùng đội ngũ cán bộ khoa học cần thường xuyên tổ chức các buổi báo cáo chuyên đề, mời những chuyên gia có trình độ lý luận cao và nhiều kinh nghiệm đến truyền đạt kiến thức, hướng dẫn học viên và cán bộ trẻ tiến hành nghiên cứu và học tập, tạo điều kiện nâng cao về nhận thức và chuyên môn. Ngoài ra, đoàn viên và thanh niên cũng có thể đề xuất biên tập và xuất bản những chuyên san, tạp chí chuyên ngành, tạo một diễn đàn học thuật chuyên nghiệp và rộng mở cho đội ngũ cán bộ khoa học trẻ nói chung.

Song song với việc tự học, tự nghiên cứu, chúng ta cũng cần đổi mới mô hình truyền thụ kiến thức lý luận chính trị. Việc nâng cao phẩm chất lý luận cho đoàn viên và thanh niên phụ thuộc chủ yếu vào sự tham gia tích cực của thầy và trò trong những khóa học đào tạo lý luận chuyên ngành, đồng thời cũng phụ thuộc vào mô hình truyền thụ kiến thức mang tính đặc thù của lĩnh vực tư tưởng chính trị, bởi mục đích không chỉ là nâng cao năng lực chuyên môn, mà còn củng cố và phát triển song song với yêu cầu về tư tưởng và đạo đức cho người học. Do đó, việc làm cần thiết hiện nay là không ngừng cải cách những giờ học lý luận, nâng cao chất lượng dạy học, cần bám sát thực tiễn, có bước đi cụ thể và hiệu quả. Các hình thức truyền thụ cần sinh động, khoa học, như tổ chức thảo luận chuyên đề, cung cấp tư liệu ghi hình, trực tuyến, tạo sức hút và khích lệ người học, tạo những mối liên hệ giữa nhận thức và hành động, tăng cường tu dưỡng tính đảng và thiết lập vững chắc niềm tin xã hội chủ nghĩa.

Thức tỉnh tính chủ động của thanh niên. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là lý luận có tính khoa học, tính cách mạng và tính nhân dân, đồng thời cũng là lý luận sánh cùng thời đại và không ngừng được kiểm nghiệm trong thực tiễn. Do đó khi tiến hành giáo dục cho thanh niên, không phải chỉ là truyền thụ tri thức một cách đơn thuần và giản đơn, mà phải là sự thức tỉnh của tinh thần, sự đồng thuận của niềm tin, giúp thanh niên nhận thức đầy đủ nhất về bản chất của lý luận và tư tưởng, từ đó phát huy ý thức tự chủ của thanh niên, tăng cường năng lực tự chủ học tập, và vận dụng tính tự giác vào các lĩnh vực thực tiễn.

Củng cố thành quả lý luận trong thực tiễn. Thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm nghiệm chân lý, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng bước ra từ thực tiễn, và sau cùng hướng tới thực tiễn, không ngừng được thực tiễn kiểm nghiệm, không ngừng biến hóa phát triển cùng thực tiễn. Thanh niên không chỉ cần lý luận để giải thích thế giới, mà thanh niên với tư cách là thế hệ trẻ và tiên phong, cần nắm chắc lý luận để cải tạo thế giới, hiện thực hóa lý tưởng và niềm tin. Quan điểm thực tiễn luôn là quan điểm quan trọng nhất, cơ bản nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn nhấn mạnh sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, trong đấu tranh cách mạng và trong mọi hoạt động của đời sống xã hội. Vì vậy, cần tăng cường hơn nữa những hoạt động thực tiễn gắn với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời phát triển lý luận từ trong thực tiễn. Đối với thanh niên, lấy lý luận đúng đắn để chỉ đạo thực tiễn, chính là con đường phát triển, là chìa khóa giải quyết những vấn đề khó khăn nhất trong quá trình vận động của lịch sử.

Thanh niên chính là hy vọng của nước nhà. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi tìm đường cứu nước từ khi còn là một thanh niên, và cho đến tận cuối đời, Người dành trọn vẹn niềm tin cũng như kỳ vọng lớn lao đối với thế hệ thanh niên cách mạng sau này. Mỗi thời đại lại đặt ra những yêu cầu khác nhau đối với thế hệ trẻ, nhưng những tư tưởng cốt lõi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giáo dục, bồi dưỡng thế hệ tương lai của đất nước vẫn luôn là chỉ dẫn vô giá cho Đảng và dân tộc ta, để từ đó các thế hệ cách mạng đời sau kế thừa truyền thống vẻ vang, nắm chắc ngọn cờ độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ và phát triển đất nước, không ngừng củng cố và làm rạng rỡ thành tựu cách mạng của các thế hệ đi trước, góp phần đưa đất nước Việt Nam đi lên giàu mạnh và phồn vinh, sánh vai với bè bạn năm châu.

TS. Trần Minh Văn- Viện Thông tin khoa học
 

Liên kết website

2021
hoc tap va lam theo oi Bac
Theo dấu chân Bác
llct
quản lý văn bàn
facebook
can bo doan
cac mo hinh kinh te
nhip song tre
phap luat
Mỗi ngày một tin tốt - Mỗi tuần một câu chuyện đẹp
Học sinh 3 tốt
Kênh tư vấn tâm lý cho thanh thiếu nhi
Thư viện nhạc, phim

Skip to main content