baner
Trang chủ » Tin tức - Sự kiện » TIN VHVN - TDTT

Tỉnh Hà Nam từ 1997 - nay

(30/08/2016) Năm 1997, tỉnh Hà Nam được tái lập sau 32 năm hợp nhất với tỉnh Nam Định, Ninh Bình. Ở thời điểm năm 1997, Hà Nam gặp rất nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém, hệ thống giao thông, công trình tưới tiêu xuống cấp, hạ tầng đô thị lạc hậu. Nền kinh tế thuần nông, nhỏ lẻ, manh mún, tỷ trọng kinh tế nông nghiệp chiếm gần 50%. Thu nhập bình quân đầu người 2,1 triệu đồng, mới bằng 58,2% mức bình quân cả nước, thu ngân sách 72,4 tỷ đồng. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức vừa thiếu về số lượng, vừa mất cân đối về cơ cấu. Đời sống của cán bộ, công chức và phần lớn dân cư gặp khó khăn.

 Hà Nam là cửa ngõ phía Nam của thủ đô Hà Nội, thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, nằm trên huyết mạch giao thông Bắc - Nam với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy thuận lợi, cùng với cầu Yên Lệnh nối đôi bờ sông Hồng, tạo cho Hà Nam lợi thế mới để mở rộng giao lưu hợp tác với các tỉnh Đông Bắc và ra cảng biển Hải Phòng. Hà Nam có quỹ đất nông nghiệp dồi dào, có nguồn khoáng sản phục vụ ngành công nghiệp xi măng và vật liệu xây dựng, đồng thời cũng là vùng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch thắng cảnh và du lịch sinh thái. Người Hà Nam có truyền thống hiếu học, dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo, có tinh thần đoàn kết.

 Nhận thức được những thuận lợi và khó khăn, tiềm năng và triển vọng, Đảng bộ, quân và dân Hà Nam nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, tập trung trí tuệ tháo gỡ khó khăn, phát huy lợi thế, huy động nội lực, thu hút đầu tư, tranh thủ sự giúp đỡ của trung ương, đoàn kết một lòng, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế xã hội. Hà Nam xác định các chủ trương đúng và trúng, phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

Giai đoạn 1997 - 2000, thời kỳ tập trung khắc phục, vượt qua khó khăn của những năm đầu tái lập; khắc phục về bộ máy và cán bộ, về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc; thực hiện đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, trọng tâm sản xuất lương thực, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân.

Giai đoạn 2001 - 2005, hình thành chủ trương mang tính bao quát. Từ kết quả của việc dồn điền đổi thửa năm 1999, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 03 về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển ngành nghề dịch vụ ở nông thôn; xác định chăn nuôi thủy sản là mũi nhọn để tạo chuyển biến trong cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, tăng thu nhập và cải thiện đời sống; ban hành Nghị quyết 08 về đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xác định đây là khâu đột phá để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lấy sản xuất vật liệu xây dựng làm mũi nhọn.

Giai đoạn 2006 - 2010 là giai đoạn tập trung có hiệu quả các nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và bảo vệ môi trường; tập trung xây dựng môi trường đầu tư thân thiện để huy động các nguồn lực cho phát triển công nghiệp, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động phát triển dịch vụ; phát triển xi măng, các khu công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp, tạo sự đột phá trong phát triển công nghiệp Hà Nam.

Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam giai đoạn 2011 - 2015 là: Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, hiệu quả và bền vững; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ; thực hiện công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Song song với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội là củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Từ sau khi tái lập tỉnh đến nay, kinh tế - xã hội Hà Nam đã có những bước tiến vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế tăng trưởng nhanh, năm sau cao hơn năm trước và luôn cao hơn bình quân cả nước. Nền kinh tế chuyển biến căn bản từ nền kinh tế thuần nông nhỏ lẻ, manh mún sang nền kinh tế công nghiệp và dịch vụ. Diện mạo đô thị và nông thôn thay đổi không ngừng. Đời sống nhân dân được cải thiện về vật chất và tinh thần; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo vững chắc. Từ một tỉnh nghèo đã dần trở thành một tỉnh có kinh tế phát triển nhanh, quy mô ngày càng lớn.

Ngành Nông nghiệp Hà Nam không chỉ đơn giản là duy trì và đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng mà phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hoá với quy mô lớn, công nghệ hiện đại. Tỉnh luôn chú trọng ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng trong chăn nuôi, giảm tỷ trọng trồng trọt. Cơ sở hạ tầng nông thôn từng bước được xây dựng đồng bộ, đời sống của nông dân được cải thiện, diện mạo nông thôn ngày một đổi mới. Sản xuất cây vụ Đông được xác định là vụ sản xuất chính thứ 3 trong năm. Tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất cây trồng hàng hóa, sản xuất nấm ăn, mở rộng diện tích cây xuất khẩu có địa chỉ tiêu thụ, đóng góp quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người nông dân. Lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cũng được xác định là mũi đột phá trong việc tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Bằng nhiều giải pháp, đến nay toàn tỉnh đã có 15 khu chăn nuôi, 05 khu nuôi trồng thủy sản tập trung đi vào hoạt động và cung cấp hàng trăm tấn sản phẩm ra thị trường. UBND tỉnh ban hành các cơ chế phát triển chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học với hơn 2.000 mô hình chăn nuôi nông hộ có sử dụng đệm lót lên men trong thời gian qua đã góp phần tích cực giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn. Tỉnh đã thực hiện việc phát triển đàn bò sữa ở những vùng có lợi thế về chăn nuôi đàn gia súc, phấn đấu đến hết năm 2015 Hà Nam có 3.000 con bò sữa.

Trong những năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tăng nhanh, góp phần đưa tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp trong khu công nghiệp ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số giá trị sản xuất toàn tỉnh. Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tăng liên tục và ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh Hà Nam. Đến nay, Hà Nam có 08khu công nghiệp tập trung được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, với diện tích 1.773 ha, trong đó có 04 khu công nghiệp đã đi vào khai thác và hoạt động như: Khu công nghiệp Đồng Văn I, Khu công nghiệp Đồng Văn II, Khu công nghiệp Hòa Mạc, Khu công nghiệp Châu Sơn; hạ tầng các khu công nghiệp này đã cơ bản được đầu tư xây dựng đồng bộ.

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Hà Nam có bước phát triển toàn diện, khá vững chắc. 100% xã, phường, thị trấn có trường mầm non công lập. Mỗi huyện, thành phố có từ 03 - 04 trường THPT công lập. Toàn tỉnh có 01 trường THPT chuyên, 06 trung tâm giáo dục thường xuyên… Cơ sở vật chất, trang thiết bị được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng theo hướng chuẩn hoá, kiên cố hoá, hiện đại hoá. Đến nay, toàn tỉnh có 274 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia; 100% trường phổ thông có đủ danh mục thiết bị tối thiểu; 100% trường tiểu học được trang bị thiết bị tối thiểu và phòng học ngoại ngữ; 100% cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT được nối mạng Internet và sử dụng mạng trong công tác quản lý điều hành và cập nhật thông tin. Hà Nam là 01 trong 04 tỉnh đầu tiên của cả nước được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (tháng 11/1999); là 01 trong 10 tỉnh đầu tiên của cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở (tháng 01/2002). Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục toàn diện có nhiều chuyển biến tích cực, tiến bộ rõ rệt và vững chắc ở tất cả các cấp học. Kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi đại học, cao đẳng, thi học sinh giỏi quốc gia luôn ở trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của tỉnh đủ về chủng loại, cơ cấu, chất lượng từng bước được nâng cao.

Để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Hà Nam đã triển khai trên 150 nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh và trung ương trên tất cả các lĩnh vực như: Công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, bảo vệ môi trường... Với hoạt động sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, nhiều dự án trong lĩnh vực này đã ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ mới vào sản xuất và đời sống, cơ chế hỗ trợ phù hợp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều mô hình được duy trì, khuyến khích đầu tư và được nhân rộng, điển hình như: Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất, sử dụng một số tổ hợp lúa lai F1 có năng suất, chất lượng cao tại tỉnh Hà NamDự án “Sản xuất các loại hoa trong nhà lưới và ngoài tự nhiên tại các vùng đất 2 lúa” đã tăng giá trị thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng/ha lên 150 - 200 triệu đồng/ha đối với mô hình trồng hoa ngoài tự nhiên, 300 - 500 triệu đồng/ha đối với mô hình hoa trồng trong nhà lưới... Bên cạnh đó,hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất đã được các cấp, ngành quan tâm đúng mức và từng bước phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, tạo động lực trong lao động sản xuất, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong giai đoạn này, toàn tỉnh có trên 3.000 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đề tài, kinh nghiệm giảng dạy được công nhận, áp dụng.

Với sự quyết tâm, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nam ngày một khởi sắc. Năm 2013, tổng sản phẩm trong tỉnh ước đạt 7.641,8 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 30,2 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế: nông, lâm nghiệp, thủy sản 16,16%, công nghiệp - xây dựng 53,05%, dịch vụ 30,79%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ước đạt 1.960,1 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 14.627,8 tỷ đồng. Kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 1,25 tỷ USD. Thu cân đối ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.660 tỷ đồng. Giải quyết việc làm mới cho 16.158 lao động. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,48%...

Trong năm 2014, tỉnh Hà Nam ước có 14/15 chỉ tiêu KT-XH chủ yếu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 13,15%, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 03 năm trở lại đây. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 18,7%; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4,4%; thu nhập bình quân đầu người đạt 35,77 triệu đồng, tăng 19,2% so với năm 2013; thu cân đối ngân sách Nhà nước của tỉnh đạt 2.932 tỷ đồng, tăng 2,9% so với năm 2013; thu hút đầu tư đạt kết quả tốt, luôn là một trong 10 tỉnh đứng đầu cả nước. Phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai tích cực, hiệu quả. Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt kết quả khá toàn diện, chất lượng giáo dục có bước tiến mới. An sinh xã hội được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, nâng lên…

Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung làm tốt công tác quy hoạch các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Tỉnh xác định quan tâm phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, góp phần ổn định đời sống nhân dân; duy trì tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp; tăng cường huy động các nguồn lực, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phát triển đô thị; tập trung khai thác các nguồn thu, chống thất thu, hạn chế nợ đọng; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; tập trung triển khai Quy hoạch về phát triển nguồn nhân lực; đảm bảo ổn định an sinh xã hội, đời sống nhân dân; ổn định chính trị, xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; tiếp tục chú trọng cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Hà Nam coi hợp tác đầu tư là nhiệm vụ hết sức quan trọng để huy động mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực: phát triển công nghiệp “hậu xi măng” theo hướng tiêu thụ ít năng lượng, đảm bảo môi trường; các ngành cơ khí lắp ráp ô tô, xe máy, điện tử, chế biến nông sản... có quy mô lớn, công nghệ hiện đại; kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đầu tư phát triển khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao và hạ tầng ở các khu đô thị mới của tỉnh...

Tỉnh đặc biệt quan tâm đến chiến lược đào tạo và phát huy nguồn lực con người trên cơ sở phát triển sự nghiệp giáo dục toàn diện, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao mức hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần cho nhân dân. Kêu gọi thu hút đầu tư xã hội hoá các lĩnh vực: y tế, giáo dục, văn hoá, môi trường... 

Vượt lên khó khăn của một tỉnh nghèo, phát huy tiềm năng và thế mạnh, những thành tựu sau tái lập, sự đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ, quân và dân Hà Nam quyết tâm phấn đấu đưa Hà Nam trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020, là đô thị loại I sau năm 2025./.

hanam.gov.vn
 

Liên kết website

2021
hoc tap va lam theo oi Bac
Theo dấu chân Bác
llct
quản lý văn bàn
facebook
can bo doan
cac mo hinh kinh te
nhip song tre
phap luat
Mỗi ngày một tin tốt - Mỗi tuần một câu chuyện đẹp
Học sinh 3 tốt
Kênh tư vấn tâm lý cho thanh thiếu nhi
Thư viện nhạc, phim

Skip to main content