Ứng dụng công nghệ thông tin: Thay đổi để phát triển

Đây là vấn đề đang được các doanh nghiệp (DN), tổ chức, cá nhân và cơ quan Nhà nước quan tâm, bởi công nghệ thông tin (CNTT) là cốt lõi trong các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội trong thời đại ngày nay.

 

CNTT giúp con người làm việc hiệu quả hơn. Ảnh: NL

Đây là vấn đề được đặt ra trong hội thảo “Xu hướng và an toàn CNTT 2018” tại Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, do Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế - CIT (thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM) phối hợp cùng Công ty Phát triển đào tạo Việt Nam tổ chức.

Phải thay đổi

Ứng dụng CNTT dẫn tới thói quen tìm hiểu sản phẩm khác đi, thói quen mua sắm, thanh toán thay đổi; hành vi chia sẻ được đẩy mạnh, tốc độ lan truyền thông tin tốt/xấu gần như tức thời.

“Trong thời buổi công nghệ 4.0, nếu không chấp nhận sự thay đổi thì hệ quả tất yếu ai cũng biết, nhưng điều quan trọng là cần hiểu đúng về trào lưu 4.0”, ông Phí Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Công ty Tư vấn P.A.T nói. Nhưng ông cũng thừa nhận: “Chúng ta không thay đổi kịp với chiều hướng phát triển quá nhanh của CNTT”.

“Hãng lớn có thể “chết” nếu không bắt kịp ứng dụng công nghệ mới. Hãng “nhỏ” có thể trở thành người dẫn đầu nhờ ứng dụng công nghệ đúng", ông Tuấn khẳng định.

“Dù rất khó khăn nhưng vẫn phải thay đổi. Trong đau thương của DN Việt, “tấm gương” của taxi VinaSun và sự đi vào thị trường của Uber, Grab chính là một trong những câu chuyện điển hình để cộng đồng DN nhận thấy rõ là cần phải thay đổi”, ông Tuấn nói và cho biết “điều quan trọng là cần hiểu đúng về cuộc cách mạng 4.0; cần phương thức quản lý mới, cách bán hàng mới, không bao giờ ngừng kết nối…”.

Ông Cao Trung Hiếu, Giám đốc Dantri Soft cho biết, dù biết phải thay đổi và ứng dụng CNTT cho phù hợp với thời cuộc, nhưng nhiều công ty Việt Nam ngại mua phần mềm của Việt Nam cho dù giá rẻ hoặc thậm chí cho không. Chẳng hạn như phần mềm tính tiền ở các quán cà phê được Dantri Soft tặng miễn phí (đơn giá 4 triệu đồng/1 phần mềm) tới cộng đồng.

Thực tế đã có hàng chục ngàn quán cà phê sử dụng phần mềm miễn phí và hàng ngàn DN hoặc cá nhân khác chấp nhận mua phần mềm bản quyền này về dùng, nhưng đối với thị trường Việt Nam thì việc ứng dụng CNTT này vẫn chưa phải là phổ biến. Đi vào các nhà hàng, quán cà phê, có thể quan sát thấy nhân viên phục vụ rối ren, quản lý không khoa học dẫn đến dễ nhầm lẫn, dễ thiếu sót; nhưng người Việt mình ngại thay đổi, ngại học hỏi cái mới, kể cả sự thay đổi ứng dụng CNTT đó là tặng miễn phí, và không thay đổi đồng nghĩa với thất bại, nguy cơ rủi ro cao.

“Cách mạng 4.0, sự phát triển của nền kinh tế số, công nghệ trí tuệ nhân tạo, người máy, máy học, blockchain, dữ liệu lớn, điện toán đám mây và rất nhiều khái niệm khác liên quan đến CNTT đang là đề tài nóng trên các phương tiện truyền thông trong thời gian gần đây”, ông Lưu Danh Anh Vũ, Giám đốc Quốc gia Nhóm giải pháp bảo mật an toàn thông tin IBM Việt Nam cho hay.

Nhiều thách thức

Để đạt tới những mô hình nhà máy mới thông minh hơn, hiệu quả hơn đặt ra rất nhiều thách thức cho DN Việt, khi DN Việt đang đứng trước tình trạng nhà máy sản xuất ở mức dây chuyền cấp thấp, bắt đầu có tự động hóa, sử dụng robot bằng không; ứng dụng CNTT trong DN mới được quan tâm và đang ở mức trung bình; tính kết nối tạo hệ sinh thái giữa DN - DN chưa được hình thành; chưa hiểu rõ về 4.0; tâm lý ngần ngại trong đầu tư ứng dụng CNTT vì lo lắng hiệu quả đầu tư… vấn đề này còn rất phổ biến trong giới DN vừa và nhỏ.

Chính vì vậy, ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế mong muốn hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp thêm và sâu hơn những hiểu biết về xu hướng phát triển CNTT trong thời gian tới và an toàn CNTT cho cộng đồng và DN.

“Đâu là CNTT làm thay đổi các mô hình kinh doanh truyền thống trên phạm vi toàn cầu và có thể tạo ra những cơ hội kinh doanh hấp dẫn ngay trên thị trường nội địa? Đâu là giải pháp CNTT DN vừa và nhỏ có thể ưu tiên đầu tư khi cân đối ngân sách hạn chế với mục tiêu nhanh chóng cải tiến sản phẩm, chất lượng dịch vụ, chuyển đổi mô hình kinh doanh mà vẫn đáp ứng yêu cầu an toàn thông tin?”, ông Vũ đặt vấn đề.

Cần phải luôn tìm hiểu xu hướng CNTT theo mục tiêu hướng tới ứng dụng; Ứng dụng từ những nhu cầu cụ thể nhất, nhỏ nhất đến những hoạch định với lộ trình theo sát định hướng phát triển của DN. “Hiện trạng lẫn lộn giá trị thật giả ở Việt Nam dẫn tới sự lo ngại của rất nhiều người dùng. Nhưng đừng sợ ứng dụng CNTT vì có rất nhiều lợi ích lớn lao cho cộng đồng, DN. Hãy trang bị kiến thức để sẵn sàng tham gia cuộc cách mạng 4.0 cũng như xây dựng lộ trình tạo ra bước chuyển đổi kỹ thuật số phù hợp cho DN”, ông Vũ khẳng định.

CNTT và tiền ảo

Ông Tuấn cho rằng, thời gian gần đây, nhiều người lo lắng, băn khoăn về sự xuất hiện của đồng tiền điện tử, nhưng sự thực tiền điện tử chỉ là một phần của công nghệ blockchain mà thôi.

“Công nghệ blockchain thực ra là phương thức giao dịch có độ an toàn cao nhất, gần như đảm bảo an toàn tuyệt đối, bởi vì dữ liệu được mã hóa thành từng chuỗi và được lưu giữ ở các nơi khác nhau; để giao dịch được thì bắt buộc phải ráp hết các đoạn dữ liệu lại với nhau thì mới hoàn tất giao dịch”, ông Phí Anh Tuấn khẳng định.

Ở các nước phát triển, tiền ảo ra đời là để tránh tình trạng tiền giấy và tiền xu được chính phủ in ra hàng loạt gây tình trạng lạm phát vì đồng tiền mất giá. Ở Việt Nam, tiền ảo là một xu hướng mới của CNTT và hiểu biết về tiền ảo còn rất hạn chế nên gây khá nhiều nghi ngờ, thắc mắc.

Ông Lưu Danh Anh Vũ cho rằng: “Kiếm tiền trên mạng dễ quá nên nhiều người lao vào tìm cách kiếm tiền trên internet và kinh doanh tiền ảo”.

“Tiền ảo là các giao dịch trên mạng internet, nên có tình trạng server bị quá tải do có hàng triệu giao dịch được tiến hành cùng một lúc, dẫn tới mức độ lo sợ cao về độ an toàn khi sử dụng tiền ảo”, ông Phí Anh Tuấn giải thích. Nhưng làm thế nào để phân biệt được loại tiền ảo nào thì sử dụng công nghệ an toàn blockchain, loại tiền ảo nào thì chỉ “xạo” để kiếm lời thì vẫn là câu hỏi mà các chuyên gia chưa tìm ra lời giải đáp.