Tiến sĩ Harvard và hành trình tìm về nguồn cội

TS Hoàng Hà Thi (SN 1985, Đại học Y Harvard, Mỹ) vừa nghiên cứu khoa học lĩnh vực y sinh vừa thành lập công ty để thực hiện ước mơ tạo ra các loại thuốc điều trị bệnh về thần kinh, não. Anh cũng đang nỗ lực thực hiện những dự án khoa học ý nghĩa trong hành trình tìm về cội nguồn.

 

TS Hoàng Hà Thi và chị Võ Thị Kim Thảo chia sẻ ý tưởng dự án Quỹ học bổng tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II - năm 2019. ảnh: Xuân Tùng
 

Hướng về cội nguồn

TS Hoàng Hà Thi có khả năng diễn đạt bằng tiếng Việt lưu loát, sinh động. 5 tuổi anh đã rời Việt Nam, đến nay sống ở bốn quốc gia, ba châu lục. Các nhà xã hội học định nghĩa những người như anh là những đứa trẻ thuộc nền văn hóa thứ ba được nuôi dưỡng và lớn lên trong một quốc gia, một nền văn hóa khác biệt với nền văn hóa gốc của bố mẹ. Và anh tự nhận mình có khả năng hòa nhập, thích ứng với nhiều nền văn hóa khác nhau, nhưng thường loay hoay tìm câu hỏi "mình là ai và mình thuộc về nơi nào".

"Tôi không phải là ngoại lệ. Định nghĩa về nguồn cội và bản thân luôn là một thách thức đối với tôi. Tôi băn khoăn mình bị mất gốc hay là con người của tự do; đồng thời lo lắng mãi bị mắc kẹt giữa ranh giới của hai điều đó. Những chuyến trở về Việt Nam gần đây đã giúp tôi trả lời được những băn khoăn, tìm lại sợi dây liên kết với phần con người Việt, bản sắc Việt", anh Thi chia sẻ.

Anh kết nối với người thân, nói chuyện bằng thứ ngôn ngữ mẹ đẻ, thưởng thức các món ăn, đến một số địa danh trên dải đất hình chữ S và hơn hết, có những mối liên hệ với bạn bè Việt Nam. Từ đó, anh tin rằng bản sắc cá nhân đi kèm với trách nhiệm đóng góp tâm sức giúp ích cộng đồng mà mình thuộc về sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

Trong hai lần về gần đây, anh đã tìm hiểu nhiều vấn đề trong nước và ấp ủ những dự án ý nghĩa. Anh đang dành nhiều tâm huyết kết nối hợp tác giữa Viện nghiên cứu hệ gen tại Hà Nội và một công ty về hệ gen tại New York để lập bản đồ các biến thể bệnh di truyền hiếm gặp ở các dân tộc thiểu số vùng cao Việt Nam. Dự án hướng đến thúc đẩy sự phát triển nghiên cứu hệ gen tại Việt Nam, về lâu dài sẽ giúp phát triển những phương pháp chữa bệnh mới.

Tiếp sức học sinh nghèo học giỏi

TS Hoàng Hà Thi đang phối hợp với chị Võ Thị Kim Thảo (nghiên cứu sinh ĐH Khoa học Huế, nhà sáng lập doanh nghiệp xã hội DDC Education) triển khai dự án học bổng "Việt Nam quê hương tôi". Dự án này nhằm tiếp sức cho học sinh nghèo học giỏi được tiếp tục đến trường; kết nối để những bạn xuất sắc đi du học. Qua đó góp phần xây dựng nguồn nhân lực cao cho đất nước, đồng thời kết nối học sinh nhận được học bổng quay trở lại giúp đỡ những thế hệ sau. Anh Thi đảm nhiệm kết nối với các nhà khoa học, doanh nhân và bạn bè ở nước ngoài, còn Thảo phụ trách gắn kết trên mạng xã hội.

Anh ước tính, hiện có hơn 4 triệu người Việt và hơn 136 nghìn du học sinh Việt ở nước ngoài, nếu 0,01% tham gia thì có hơn 4 nghìn trẻ em ở trong nước được đến trường. Mỗi người gây quỹ 30EUR/tháng tương đương 1EUR/ngày. "Do chênh lệch tỷ giá, 30EUR/tháng chi tiêu tại nước ngoài có thể không quá lớn nhưng chừng đó đủ bảo trợ học phí cho một tương lai tại Việt Nam", anh Thi nói.

Khát khao tạo ra thuốc mới chữa bệnh

TS Hoàng Hà Thi có khát vọng tạo ra thuốc mới chữa những bệnh liên quan đến não, thần kinh. Anh đã không chọn con đường làm bác sĩ sớm có lương cao, cuộc sống ổn định mà theo đuổi nghiên cứu não bộ để hiểu về con người. "Càng tìm hiểu thấy nhiều bệnh chưa chữa được, càng thôi thúc tôi theo đuổi nghiên cứu với mục tiêu tạo ra thuốc mới chữa trị", anh nói.

Anh mới thành lập công ty công nghệ sinh học để hiện thực hóa kết quả nghiên cứu, tạo ra thuốc chữa trị, phương pháp điều trị. Anh chia sẻ "tạo ra thuốc sinh học là hành trình rất khó" và không ít lần thất bại. Anh từng phải đóng cửa một công ty ở Anh sau gần hai năm hoạt động. Anh từng theo đuổi nghiên cứu trong suốt một năm với cường độ làm việc 70 tiếng/tuần, rồi cuối cùng vẫn thất bại. "Thất bại không có nghĩa là không giá trị. Nhìn cách khác tôi vẫn thu được một kết quả nhưng không như mong đợi, có thêm kinh nghiệm và chỉ ra bản thân phải luôn cố gắng, luôn hy vọng vào những điều tốt đẹp hơn", TS Thi chia sẻ.

Hoàng Hà Thi là Tiến sĩ Y khoa và nhà thần kinh học. Anh tập trung nghiên cứu về những tác động của gen lên khả năng phát triển của các bệnh về thần kinh, tâm lý như: Alzheimer, tâm thần phân liệt hay trầm cảm... với mục tiêu tạo ra những loại thuốc mới để điều trị. Đến nay, anh đã công bố công trình nghiên cứu phương pháp chẩn đoán sớm đa xơ cứng, căn bệnh rối loạn não bộ phổ biến nhất. Đồng thời, có đóng góp trong các nghiên cứu về chứng rối loạn não bộ ở trẻ như chứng động kinh, thiểu năng trí tuệ; các nghiên cứu về sự chết đi của các tế bào thần kinh trong căn bệnh Alzheimer.