Nhận diện tham nhũng và các giải pháp phòng, chống tham nhũng

Thanh tra Chính phủ sắp tổ chức Hội nghị Đối thoại về Phòng chống tham nhũng lần thứ 10. Một trong những nội dung của Hội nghị đối thoại lần này là Tổng kết 5 năm thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng; đánh giá những tiến triển của công tác phòng chống tham nhũng sau các kỳ đối thoại trong một số lĩnh vực cụ thể.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều Nghị quyết, nhiều văn bản pháp lý về phòng chống tham nhũng, Luật Phòng, chống tham nhũng cũng đã được ban hành và có hiệu lực được khoảng 2 năm. Trước đó, chúng ta cũng đã có Pháp lệnh về Phòng, chống tham nhũng, có Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng v.v.. nhưng diễn biến tình hình tham nhũng vẫn chưa suy giảm, mà còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn.
Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2011 cho biết, kể từ 1-10-2010 đến nay, Quốc hội đã sửa đổi ban hành, bổ sung khoảng 20 luật, nghị quyết; Chính phủ ban hành gần 300 nghị định, nghị quyết, quyết định; các bộ, ngành cũng ban hành trên 700 thông tư quy định, hướng dẫn việc thực hiện; các địa phương còn nhiều hơn, với hơn 2.000 văn bản nhằm cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện các chính sách pháp luật về phòng chống tham nhũng v.v.. Tuy nhiên, theo cơ quan Thanh tra Chính phủ, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý chưa tương xứng với thực tế, gây tâm lý hoài nghi, giảm sút lòng tin trong nhân dân về tính nghiêm minh của pháp luật.
Diễn biến cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong nhiều năm qua và hiện nay chưa được như lòng dân mong đợi. Vì sao vậy? Vấn đề chủ yếu là vì các biện pháp còn thiếu đồng bộ, chưa quyết liệt và triệt để, còn né tránh, nể nang thậm chí là có tâm lý thỏa hiệp ở một số bộ phận. Trong cuốn sách: Nhận diện tham nhũng và các giải pháp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia công bố mới đây cho thấy,việc xử lý các quan chức thoái hóa, biến chất có nơi, có lúc chưa nghiêm, có biểu hiện “nhẹ trên, nặng dưới” hoặc muốn xử lý nội bộ, đặc biệt là những sai phạm của người đứng đầu.
Đáng chú ý, nghiên cứu này còn chỉ ra rằng, việc phát hiện và xử lý các vụ việc tham nhũng như vừa qua mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Cụ thể, đối với cán bộ, công chức, viên chức, lương không đủ sống nhưng vẫn sống bình thường, nhiều cán bộ sống tốt hơn, không ít cán bộ có nhiều nhà cửa, đất đai, tài sản lớn nhưng không thể kết luận rằng họ tham nhũng. Nghiên cứu này đã dẫn số liệu một báo cáo của Ban Nội chính Trung ương trước đây, cho biết, mức độ phát hiện tham nhũng chỉ khoảng 5%. Đáng chú ý, phần lớn số vụ lại do quần chúng nhân dân và báo chí phát hiện.
Để cuộc chiến chống tham nhũng thực sự đi vào chiều sâu, PGS. TSKH Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, phải có quyết tâm chính trị rất cao. Đây được xác định là yếu tố hàng đầu của chiến lược chống tham nhũng, bởi nếu không có nó thì mọi giải pháp đưa ra, dù tốt đến mấy cũng không được bảo đảm thực thi có hiệu quả.
Quyết tâm chính trị ở đây phải được hiểu là sự cam kết tuyên chiến với tham nhũng từ cấp cao nhất trong bộ máy. Điều này phải được thể hiện bằng những chiến lược cụ thể và hành động cụ thể, được công khai hóa để nhân dân giám sát, giúp sức.
Trong hệ thống của chúng ta, người đứng đầu các cấp có vị trí trực tiếp quyết định trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Cam kết chính trị chống tham nhũng phải gắn liền với trách nhiệm chính trị của những người đứng đầu. Khi người đứng đầu các cấp đã giương cao ngọn cờ chống tham nhũng sẽ tập hợp được xung quanh mình lực lượng mạnh mẽ chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy, củng cố niềm tin vào chế độ và sự bền vững của chế độ./.