TP. Hồ Chí Minh: Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV mới trong cộng đồng dưới 0,08% vào năm 2015

(ĐCSVN) – Theo báo cáo của Ủy ban phòng chống AIDS TP. Hồ Chí Minh, ước tính số nhiễm HIV mới ở người trưởng thành (≥15 tuổi) trên địa bàn Thành phố sẽ tăng trên 7 nghìn trường hợp vào năm 2015.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, nếu giữ nguyên các hoạt động can thiệp như hiện nay thì ước tính trong giai đoạn (2011-2015), TP. Hồ Chí Minh sẽ có thêm 33.132 trường hợp nhiễm HIV mới ở người trưởng thành (≥ 15 tuổi).
Trong số các trường hợp nhiễm HIV mới hàng năm trong vài năm tới, nhóm khách làng chơi sẽ có số lượng người mới nhiễm HIV cao nhất, vượt trên cả các nhóm nguy cơ cao, chiếm gần 1/3 các trường hợp nhiễm HIV mới ở người trưởng thành. Hậu quả tiếp theo của việc tăng số lượng người nhiễm HIV trong nhóm khách làng chơi sẽ dẫn đến tăng sự lây nhiễm HIV sang vợ và bạn gái của họ, dẫn đến những phụ nữ bị lây nhiễm từ chồng hay bạn trai của họ trở thành nhóm có số nhiễm mới cao thứ hai trong các nhóm quần thể tại TP. Hồ Chí Minh (khoảng 1.500 ca mỗi năm).
Cũng theo Ủy ban phòng chống AIDS Thành phố, số lượng các trường hợp nhiễm HIV mới trong 3 nhóm đối tượng nguy cơ cao (tiêm chích ma túy, phụ nữ mại dâm, quan hệ tình dục đồng giới) chiếm gần 50% các trường hợp nhiễm HIV mới ở người trưởng thành mỗi năm. Tác động của việc nhiễm HIV trên các nhóm đối tượng nguy cơ cao không chỉ dừng ở các nhóm này mà có nguy cơ lây sang khách làng chơi và từ đó lây sang nhóm phụ nữ bình thường trong cộng đồng.
Trước thực trạng và dự báo trên, UBND TP. Hồ Chí Minh đã xác định sẽ tập trung lãnh đạo thực hiện thành công Kế hoạch hành động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2011-2015 với định hướng chiến lược là “Chất lượng và bền vững”. Mục tiêu chung của Thành phố là: khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 1% vào năm 2015 và giảm dần sau năm 2015; khống chế tỉ lệ nhiễm HIV mới trong cộng đồng dân cư dưới 0,08% vào năm 2015; giảm tác hại của dịch HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương và các tầng lớp nhân dân về công tác phòng, chống AIDS; tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp liên ngành trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS các cấp tham mưu, điều phối hoạt động phòng, chống AIDS; tăng biên chế và kinh phí hoạt động cho mạng lưới y tế công cộng của Thành phố; tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư để đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch; thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động phòng, chống HIV/AIDS.
UBND Thành phố cũng kiến nghị các Bộ-ngành Trung ương tăng cường ngân sách phòng, chống AIDS cùng với các chủ trương và chính sách đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động phòng, chống AIDS (nhất là sự tham gia của bảo hiểm xã hội trong việc chữa trị cho người nhiễm HIV/AIDS); cho phép Thành phố bố trí định biên cán bộ cho mạng lưới y tế công cộng của Thành phố trên dân số tương đương mức bình quân của cả nước; có chính sách và cơ chế chuyển đổi nguồn nhân lực phòng, chống AIDS từ các dự án viện trợ quốc tế thành công chức, viên chức…