baner
Trang chủ » Tin tức - Sự kiện

Những con người làm nên huyền thoại

(23/09/2011) Đã 50 năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên Quân uỷ Trung ương có quyết định thành lập Đoàn tàu không số để chi viện cho chiến trường miền Nam (23.10.1961), những người cựu chiến binh của đoàn tàu không số năm xưa mới có dịp gặp lại nhau tại hội trường của Quân chủng Hải quân Việt Nam (đường Điện Biên Phủ, Hải Phòng) để nhớ lại những câu chuyện đã đi vào huyền thoại.
Trong khuôn khổ kỷ niệm 50 năm “Đường Hồ Chí Minh trên biển - con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam”, hội thảo khoa học đã được tổ chức do Trung tướng Nguyễn Thành Cung - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - chủ trì, với sự tham gia của đông đảo cán bộ, cựu chiến binh, tái hiện lại những thước phim lịch sử sống động.

Một con tàu trong Đoàn tàu không số năm xưa

Người thuyền trưởng tài ba
Thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng (SN 1935) - một trong những thuyền trưởng lừng danh của Đoàn tàu không số thuộc Đoàn 759 năm xưa, đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, hiện trú tại Cần Thơ - nhớ lại: Năm 1964, ông đi biển chuyến đầu tiên ở tàu 43 với chức danh thuyền phó. Tàu xuất phát từ Đồ Sơn (Hải Phòng) chở hơn 50 tấn vũ khí vào Vàm Lũng (Cà Mau) suôn sẻ. Sau đó, ông đi chuyến thứ hai, rồi thứ ba. Đến chuyến thứ tư (tháng 9.1964), vào được đến bến, tàu đã trải qua tới 9 cơn bão trên đường đi. Đến nơi, anh em mệt lử, phải nghỉ lại bến mấy ngày.
Ở đây, ông gặp bà Huỳnh Biên Thuỳ và mối tình giữa vị thuyền phó và cô gái trẻ đã phát triển. Hai người đã báo cáo tổ chức để hứa hôn. Sau đó, ông ra Bắc, hẹn người yêu chuyến sau về sẽ cưới. Thế nhưng, sau chuyến đó, ông được điều về đi bến mới Lộc An (Bà Rịa) để tiếp vũ khí cho quân khu 7. Hai người mất liên lạc với nhau. Năm 1967, lúc này ông làm thuyền trưởng tàu 43 vào Lộc An. Khi cách bến chỉ còn hơn 10 hải lý thì tàu bị địch phát hiện và ông đã phải quyết định cho phá huỷ tàu, sau khi cho anh em sơ tán vào bờ an toàn. Mất hơn 3 tháng sau, anh em trên tàu mới về đến Hải Phòng bằng đường bộ.
Năm 1968, ông đi tiếp tàu 43 (mới) vào Quảng Ngãi và bị địch phát hiện. Mặc dù đã chiến đấu anh dũng, nhưng 3 đồng chí của ta bị hy sinh, 12 người bị thương, nên ông phải quyết định hẹn giờ cho nổ tàu sau khi mọi người đã nhảy xuống biển. 15 phút sau, tàu nổ giữa sự kinh hoàng của các tàu địch vây quanh. Biết quân ta đã lên bờ, bọn chúng điều hẳn một tiểu đoàn điên cuồng vây bắt, nhưng anh em vẫn được người dân đưa xuống hầm bí mật an toàn. Hai ngày sau đó, cả tàu được chuyển lên chiến khu ở trạm xá Phổ Cường điều trị, khỏi bệnh rồi anh em mới hành quân ra Bắc. 
Tính từ tháng 5.1963 đến tháng 5.1972, thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng đã đi được 10 chuyến từ Bắc vào Nam, trong đó 8 chuyến thành công (2 chuyến bị địch phát hiện phải phá huỷ nói trên), chuyển được khối lượng lớn vũ khí cho miền Nam. Ông kể lại: Bà Huỳnh Biên Thuỳ trước đó nghe tin người yêu đã hy sinh nên đã xin phép tổ chức để làm lễ truy điệu ông.
Mãi đến tháng 9.1972, khi ông được điều qua đoàn tàu 2 đáy (vũ khí giấu ở tầng đáy, trên vẫn giống các tàu bình thường khác), hoạt động hợp pháp, ông mới gặp lại người yêu sau 8 năm xa cách. Lúc này ông đã già đi nhiều so với lần gặp ngắn ngủi trước đó, phần vì gian khổ, căng thẳng, phần vì phải ăn mặc, cải trang cho già đi nên cô ấy rất ngỡ ngàng. Tuy nhiên, đám cưới vẫn được tổ chức ngay sau đó một hôm ở giữa rừng với bánh trái do chị em tự làm, cá bắt dưới sông.
Hai vợ chồng được bố trí một phòng tân hôn ở cái chòi cạnh bụi chuối, bên dưới có hầm trú ẩn, đêm nằm còn nghe thấy cả tiếng rắn hổ khò khè dưới gầm giường, nhưng ông vẫn rất cảm động. Ông khẳng định: “Lúc đó chúng tôi một lòng một dạ vì miền Nam ruột thịt, chẳng quản gì nguy hiểm, chẳng sợ hy sinh, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn gian khổ, chỉ mong sao đất nước được giải phóng”.
Những cựu chiến binh đoàn tàu không số đang kể chuyện năm xưa (từ trái sang phải): Ông Nguyễn Đắc Thắng, ông Phạm Quốc Hồng và ông Khưu Ngọc Bảy
           Con tàu trắng khăn tang
Ông Phạm Quốc Hồng (SN 1940, quê Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình) - một máy trưởng của Đoàn tàu không số - kể lại: “Năm 1963, tôi được cử đi chuyến đầu tiên trên tàu 43. Vì tàu được thiết kế theo kiểu Nam Bộ, nên mặc dù đã học qua lớp máy trưởng ở Trường Sĩ quan hải quân (Quảng Ninh), nhưng tôi cũng rất bỡ ngỡ, không nổ được máy và làm xì hết một bình hơi, nhưng rồi mọi thứ cũng dần quen”. Ông nhớ lại: “Mỗi khi đến gần bến, tàu phải tắt hết đèn, đi mò trong đêm tối.
Lúc đó máy trưởng phải ép mình ngồi trong buồng máy đã được đóng hết cửa (để ngăn tiếng ồn), dùng tai để nghe động cơ từ máy, điều chỉnh sao cho tiếng máy nhỏ nhất có thể (để cách 20m không nghe được tiếng máy nổ) mà không làm chết máy. Lúc đó tôi thực sự rất căng thẳng, mồ hôi túa ra đầm đìa áo là chuyện thường. Thế nhưng, đáng nhớ nhất trong những chuyến biển đó là ngày chúng tôi tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ. Hôm đó, chính trị viên phát cho mỗi người một chiếc khăn tang.
Anh em được nghe Di chúc của Bác. Cả tàu đã khóc thương Bác rất nhiều. Trước đó, do có thành tích trong quá trình huấn luyện, tôi đã được gặp Bác Hồ và được Bác căn dặn, cố gắng học tập, chiến đấu. Tôi rất mong được gặp Bác lần nữa. Nhưng Bác đã mất rồi. Sau này, có rất nhiều lúc khó khăn, nản lòng, nhưng cứ nhìn lại tấm khăn tang của Bác, tôi lại cố gắng vượt qua”. Cũng nhờ đó, suốt từ năm 1957, ông mải miết học tập, chiến đấu, đến khi giải phóng mới về quê hương. Lúc đó mới biết mẹ mình đã bị bom giết chết. Con gái 12 tuổi mới biết mặt cha...
Chuyện của người ở bến
Đại tá Khưu Ngọc Bảy - nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 692 (đơn vị quản lý các bến tiếp nhận hàng hoá bằng đường biển từ Bắc vào) - kể lại: Khi đó, quân miền Nam rất thiếu vũ khí, trang thiết bị nên Trung ương Cục đã chỉ đạo một số tỉnh miền Nam tổ chức lực lượng, tàu thuyền để làm nhiệm vụ vượt biển ra Bắc mang vũ khí về, đồng thời nắm tình hình địch và truyền đạt phương án mở bến của T.Ư. Theo đó, phương án xây dựng các cụm bến ven biển để trực tiếp tiếp nhận hàng từ tàu Bắc vào được chọn. Các vàm sông được chọn là nơi có thể cho tàu 30 - 40 tấn vào được, chỗ tàu đậu, lên hàng, các kho chứa, đường vận chuyển ra chiến trường thuận tiện. Việc di dân ra khỏi khu vực đó cũng được tiến hành để đảm bảo bí mật.
6h ngày 19.10.1962, chuyến tàu đầu tiên chở 30 tấn vũ khí đã vào đến Vàm Lũng an toàn, sau đó được đưa về rạch Chùm Gọng để lên hàng. Sau chuyến này, các bến của Đoàn 692 đã đón và tiếp nhận 124 tàu ở khắp các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh với số hàng lên đến hàng nghìn tấn. Trong quá trình vận chuyển, đã có 7 con tàu bị địch phát hiện, phải huỷ cùng với nhiều chiến sĩ đã hy sinh. Tuy nhiên, với một tuyến đường như vậy, điều đó vẫn là một thắng lợi to lớn. Đại tá Khưu Ngọc Bảy nhấn mạnh: Sẽ chẳng có chiến thắng nào nếu cuộc chiến đấu không được gắn với nhân dân, được nhân dân đồng thuận và che chở.
Thầm lặng người thợ đóng tàu
Tại buổi gặp mặt những cựu chiến binh, không có mặt những người thợ đóng đoàn tàu không số năm xưa. Nhưng người viết bài này muốn dành cho họ - những người đã rất sáng tạo khi đóng thành công những con tàu để cho những chiến sĩ vượt biển - ít dòng. Một người trong số này là bác Lê Đăng Ninh - SN 1942, nguyên là công nhân máy tàu của Xưởng đóng tàu số 3 (nay là NMĐT Tam Bạc - Hải Phòng), hiện sống tại phường Đồng Quốc Bình, Q.Ngô Quyền, Hải Phòng.
Bác Ninh kể lại: “Tôi tham gia đóng những con tàu hai đáy vào khoảng năm 1963. Lúc đó, tôi không hiểu tàu được dùng để làm gì, chỉ biết rằng việc lắp đặt máy phải hoàn toàn bí mật. Xưởng của tôi được giao đóng 10 con tàu loại 150 tấn, những con tàu không có số. Máy tàu đã bị bỏ hết nhãn mác. Tàu được thiết kế hai đáy (đáy bí mật để chứa vũ khí) và cài thuốc nổ ở đầu, giữa và đuôi tàu. Ống khói được ngụy trang ra phía sau, giống như những con tàu ở trong Nam. Khi lắp máy, tất cả các chi tiết phải được làm công phu, không được phép sai sót. Sau này, khi biết đó chính là những con tàu không số, chúng tôi thấy rất tự hào vì mình đã góp phần vào việc vì miền Nam ruột thịt được giải phóng”.
Theo tổng kết, kể từ khi Đoàn 759 được thành lập (23.10.1961) với mục đích chi viện cho chiến trường miền Nam, tới khi đất nước giải phóng, đội ngũ những con tàu không số đã trải qua muôn vàn khó khăn, hy sinh, nhưng với tinh thần mưu trí, anh dũng, các cán bộ, chiến sĩ đã vận chuyển được gần 163.000 tấn vũ khí trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh từ miền Bắc vào Nam, đưa đón hơn 80.000 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có hàng trăm cán bộ cao cấp của Đảng, quân đội từ Nam ra Bắc và ngược lại.
 
 

 

Hoàng Hoan - Giang Nguyên
laodong.com.vn
 

Liên kết website

2021
hoc tap va lam theo oi Bac
Theo dấu chân Bác
llct
quản lý văn bàn
facebook
can bo doan
cac mo hinh kinh te
nhip song tre
phap luat
Mỗi ngày một tin tốt - Mỗi tuần một câu chuyện đẹp
Học sinh 3 tốt
Kênh tư vấn tâm lý cho thanh thiếu nhi
Thư viện nhạc, phim

Skip to main content