baner
Trang chủ » Di tích lịch sử văn hóa và du lịch Hà Nam

DI TÍCH LỊCH SỬ TRẬN ĐỊA PHÁO PHÒNG KHÔNG LAM HẠ (1965-1972) - GHI DẤU CHIẾN CÔNG 10 NỮ LIỆT SỸ DÂN QUÂN LAM HẠ, THÀNH PHỐ PHỦ LÝ - TỈNH HÀ NAM

(21/03/2022) Thời Nguyễn, xã Lam Hạ có tên gọi là Tiên Hòa thuộc tổng Lam Cầu, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Xã gồm 4 thôn: Đình Tràng, Hòa Lạc, Đường Âm, Lạc Tràng. Năm 1967, hợp nhất hai xã Tiên Hoà, Tiên Hồng thành xã Lam Hạ thuộc huyện Duy Tiên, tỉnh Nam Hà. Năm 2000, thực hiện Nghị định số 53/NĐ-CP ngày 29/9/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc mở rộng địa giới hành chính thị xã Phủ Lý, xã Lam Hạ được sáp nhập về thị xã Phủ Lý (nay là thành phố Phủ Lý). Năm 2013 phường Lam Hạ được thành lập theo Nghị quyết số 89/NQ-CP của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính các huyện Duy Tiên, Bình Lục, Thanh Liêm, Kim Bảng để mở rộng địa giới hành chính thành phố Phủ Lý và thành lập các phường thuộc thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

            Phường Lam Hạ nằm về phía Đông Bắc của thành phố Phủ Lý; phía Bắc giáp xã Tiên Tân; phía Đông giáp xã Tiên Hải; phía Tây giáp phường Quang Trung; phía Nam giáp phường Lương Khánh Thiện (thành phố Phủ Lý).

Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Lam Hạ là một xã có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng chạy qua như: Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam, 3km đường đê Bắc Châu Giang chạy dọc qua xã, ngoài ra còn có 02 cầu phao (còn gọi là cầu chìm) dùng cho xe quân sự vượt sông Châu Giang mỗi khi cầu Phủ Lý bị địch đánh phá chưa kịp khắc phục. Vì vậy, xã Lam Hạ là một trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của không quân Mỹ trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 1965 - 1972).

Ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến đấu chống Mỹ, xã Lam Hạ được xác định là địa bàn có vị trí chiến lược trọng yếu trong khu vực tác chiến phòng thủ của huyện và tỉnh. Đặc biệt trong việc bố trí các trận địa pháo phòng không bảo vệ các mục tiêu quan trọng mà không quân Mỹ thường tập trung oanh kích thị xã Hà Nam (nay là thành phố Phủ Lý). Từ các vị trí trận địa pháo phòng không này ta có thể bao quát toàn bộ vùng trời thị xã Hà Nam và toạ độ đánh phá của địch, giúp cho đài quan sát, các đơn vị phòng không bố trí trên địa bàn sớm phát hiện và đánh trả kịp thời các loại máy bay Mỹ từ mọi hướng.

 Với vị trí chiến lược quan trọng của xã Lam Hạ, nên từ đầu năm 1965 đến cuối năm 1966. Quân khu III đã khảo sát, bố trí trên địa bàn xã Lam Hạ 3 trận địa pháo phòng không 37ly, 57ly và 100ly đặt ở 3 thôn: Đình Tràng, Đường Ấm, pHoà Lạc, nhằm phối hợp với trận địa pháo phòng không xã Phù Vân tạo thành thế gọng kìm, đánh trả hiệu quả các đợt đánh phá của máy bay địch nhằm vào các vị trí chiến lược ở thị xã Hà Nam, đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc, phục vụ công tác vận chuyển lương thực, chi viện sức người cho các mặt trận trên chiến trường miền Nam.

2. Sự kiện lịch sử đế quốc Mỹ đánh phá Hà Nam

Sau những thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ tiến hành leo thang đánh phá miền Bắc, nhằm ngăn chặn sự chi viện sức người, sức của của quân và dân hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam, đồng thời phá hoại công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nước ta. Mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại 9 năm bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc Việt Nam bằng sự kiện đế quốc Mỹ khiêu khích với quân đội ta ở vịnh Bắc Bộ ngày 02, 04/8/1964. Ngày 05/8/1964 chủng mở chiến dịch Mũi Tên Xuyên dùng không quân và hải quân ném bom đánh phá các căn cứ hải quân của ta ở Lạch Trường (Thanh Hoá), Bãi Cháy (Hòn Gai), tiếp sau là các chiến dịch “Mũi lao lửa” ngày 07/02/1965, chiến dịch “Sấm Rền” ngày 02/3/1965 ném bom từ Vĩnh Linh, thị xã Đồng Hới (Quảng Bình) và các tỉnh thuộc Quân khu IV.

 Đặc biệt, từ tháng 4/1965 trở đi đế quốc Mỹ đã mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, dùng không quân và hải quân đánh phá ác liệt các thành phố lớn: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và nhiều tỉnh, thành phố nằm trên tuyến đường giao thông huyết mạch Nam - Bắc như các tỉnh: Thanh Hoá, Ninh Bình, Hà Nam... nhằm cắt đứt con đường chi viện sức người sức của của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam.

Hà Nam có vị trí chiến lược rất quan trọng, là trọng điểm giao thông trên tuyến chi viện cho chiến trường miền Nam. Vì vậy cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên địa bàn Hà Nam diễn ra ác liệt.

Ngày 25/5/1965, đế quốc Mỹ tiến hành đánh phá Hà Nam lần đầu tiên bằng không quân, chúng đánh tập trung vào các điểm nút giao thông dọc Quốc lộ 1A (khu vực cầu Đoan Vỹ huyện Thanh Liêm), các cầu, đường bộ, đường sắt dọc Quốc lộ 21A, các cảng trên sông Đáy, sông Hồng... Thị xã Hà Nam (nay là thành phố Phủ Lý) là địa bàn trọng điểm đánh phá ác liệt nhất, bởi đây là trung tâm kinh tế, văn hoá của tỉnh, đồng thời nơi đây là điểm nút giao thông có nhiều tuyến đường quan trọng chạy qua như đường sắt Bắc - Nam, Quốc lộ 1A, đường thuỷ sông Châu, sông Đáy ...

Từ ngày 07/11/1965 mức độ đánh phá của không quân Mỹ đối với thị xã Hà Nam ngày càng ác liệt. Những nơi địch tập trung đánh phá ác liệt là bến đò Hồng Phú, cầu Phủ Lý, ga, trụ sở Uỷ ban hành chính Thị xã và các xã vùng ven nhà như: xã Tiên Hòa thuộc huyện Duy Tiên; các xã Phù Vân, Châu Sơn của huyện Kim Bảng; xã Liêm Chính của huyện Thanh Liêm (nay thuộc thành phố Phủ Lý) và các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng như nhà thờ, bệnh viện, trường học...

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Nam Hà, cùng với bộ đội chủ lực, quân và dân toàn tỉnh vừa đẩy mạnh sản xuất, vừa anh dũng chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Cùng với các tỉnh, thành phố miền Bắc, Hà Nam tích cực chi viện sức người, sức của cho các mặt trận trên chiến trường miền Nam. Trong điều kiện chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ, sản xuất vẫn được giữ vững, quốc phòng an ninh được tăng cường, văn hoá giáo dục được duy trì. Các phong trào thi đua “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” lôi cuốn đông đảo quân, dân trong tỉnh tham gia. Bên cạnh đó, nhân dân và các lực lượng vũ trang nêu cao tinh thần cảnh giác chiến đấu, quyết tâm đánh bại mọi âm mưu phá hoại của không quân Mỹ.

Khi đó cùng với các xã Phù Vân, Liêm Chính, Châu Sơn... xã Lam Hạ được xác định là một địa bàn có vị trí chiến lược trong việc bảo vệ vùng trời thị xã Hà Nam. Để làm tốt nhiệm vụ bảo vệ thị xã Hà Nam là vị trí chiến lược quan trọng, đầu năm 1965 Quân khu III đã phối hợp với t địa phương khảo sát đặt 03 trận địa pháo phòng không 37ly, 57ly và 100ly trên địa bàn xã Lam Hạ. Bộ đội chủ lực đã phối hợp với lực lượng dân quân địa phương đánh trả hiệu quả nhiều đợt đánh phá bằng không quân của đế quốc Mỹ, đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc để vận chuyển lương thực, chi viện cho các mặt trận trên chiến trường miền Nam.

3. Các trận địa pháo

3.1. Trận địa pháo phòng không 37ly thôn Đình Tràng

Tháng 9/1965, Bộ tư lệnh Quân khu III tiếp tục điều động đại đội 1, tiểu đoàn 6 pháo phòng không 37 ly Tỉnh đội Nam Hà về phối hợp với lực lượng phòng không địa phương xây dựng trận địa, đây được coi là trận địa quan trọng nhất và được đánh giá là “chốt thép tả ngạn sông Châu”. Vị trí của trận địa pháo phòng không 37 ly trước kia nằm trên trục đường liên thôn của xã Lam Hạ, cách đường quốc lộ 1A khoảng 200m, ở vị trí miếu thờ 10 nữ liệt sỹ dân quân Lam Hạ hiện nay. Trận địa có diện tích gần 1000m, phía Bắc là đường liên thôn, phía Đông là ruộng, phía Nam và phía Tây là khu dân cư.

Trận địa bố trí đặt 4 khẩu đội pháo, 2 khẩu đội đặt trên trục đường thôn, cách Quốc lộ 1A khoảng 200m, khoảng cách giữa 2 khẩu đội là 50m. Mỗi khẩu đội có quân số gồm 1 khẩu đội trưởng, 7 bộ đội chủ lực, 2 chiến sỹ dân quân và 3 đến 4 chiến sỹ dân quân dự bị. Đạn dược được cất vào một lán cách khẩu đội 1 gần 100m. Hầm của lực lượng chỉ huy được đặt ở vị trí trung tâm của 4 khẩu Ngoài ra, tại khu vực trận địa còn bố trí 2 tổ súng máy trung liên chốt ở đầu đê Bắc sông Châu.

Từ trận địa 37 ly thôn Đình Tràng ta bố trí một hào dài khoảng 3km, sâu 1,5m từ ngã 3 Quốc lộ 1A rẽ vào thôn Đường Âm, thông ra khu an toàn để cơ động chiến đấu và vận chuyển thương bệnh binh tránh được sự phát hiện của quân địch.

Đây là một trận địa quan trọng nhất của ta, nơi đây không quân Mỹ đã ném bom ác liệt nhất và cũng chính tại nơi này ngày 01/10/1966, 6 chiến sỹ nữ dân quân xã Lam Hạ đã hy sinh eằng một lúc khi tuổi đời còn rất trẻ từ 16 - 24 tuổi.

3.2. Trận địa pháo phòng không 57ly thôn Hoà Lạc

Đầu tháng 10/1966, Bộ tư lệnh quân chủng phòng không không quân đã điều động trung đoàn 233 pháo cao xạ 57ly từ thành phố Nam Định chuyển lên xây dựng trận địa tại thôn Hoà Lạc để tăng cường cho lực lượng phòng không bảo vệ cầu Phủ Lý.

Trận địa có diện tích khoảng hơn 1000m2 nằm trên cánh đồng đầu thôn Hoà Lạc. Trận địa được bố trí 4 khẩu đội pháo 57ly đặt ở 4 góc, pháo bắn tầm cao 4000m. Quân số của mỗi khẩu đội cũng được bố trí như các khẩu đội của trận địa pháo mà 100 ly. Lực lượng chỉ huy đặt chính giữa 4 khẩu đội, đạn dược cũng được đặt trong một lán cách trận địa 60m.

3.3. Trận địa pháo phòng không 100ly thôn Đường Ẩm

Trận địa được xây dựng đầu tháng 10 năm 1966 do Bộ tư lệnh Quân khu III điều 2 phân đội pháo 100ly từ tỉnh Hải Dương lên phối hợp với dân quân xã xây dựng, với nhiệm vụ bảo vệ 2 cầu phao bắc qua sông Châu thuộc địa phận xã Lam Ha.

 Trận địa có diện tích gần 800m, được bố trí nằm trên trục đường liên thôn, từ Quốc lộ 1A rẽ phải khoảng 2km (gần Uỷ ban nhân dân phường Lam Hạ hiện nay). Phía Đông là trường tiểu học phường Lam Hạ hiện nay; Phía Bắc, phía Nam và phía Tây đều là đồng ruộng. Khu vực trận địa được bố trí 2 khẩu đội pháo 100ly bắn tầm cao 6000m, hai khẩu đội cách nhau khoảng 50m. Mỗi khẩu đội gồm 7 bộ đội chủ lực và 2 chiến sỹ dân quân của thôn tham gia chiến đấu, ngoài ra còn có 3 đến 4 chiến sỹ dân quân dự bị. Các khẩu đội đều do khẩu đội trưởng chỉ huy, gần hai khẩu đội có một trung tâm chỉ huy gồm 1 đại đội trưởng, 1 đại đội phó, 1 chính trị viên, 2 quan trắc, 2 người sử dụng máy đo xa, 2 người phụ trách thông tin và 1 y tá, 1 cấp dưỡng. Tổng số có trên 30 bộ đội chủ lực và hơn 10 chiến dân quân của thôn Đường Ấm. Đạn dược được cất dấu trong lán dựng cách khẩu đội 1 khoảng 50m. Từ khu vực trận địa có 1 đường hào dài gần 1km thông ra khu vực an toàn gần trận địa pháo phòng không 37ly thôn Đình Tràng, để dân quân và bộ đội ra vào chiến đấu tránh sự phát hiện của quân địch, bảo đảm an toàn trong công tác cứu thương.

4. Sự ra đời của lực lượng dân quân phòng không xã Lam Ha

Được sự chỉ đạo của các cấp từ tỉnh đến cơ sở và theo yêu cầu của nhiệm vụ phối hợp chiến đấu, Đại đội dân quân phòng không xã Lam Hạ được thành lập ngày 05/8/1965, đồng chí Nguyễn Chí Liêm làm đại đội trưởng, đồng chí Trương Đình Bắc làm chính trị viên; quân số 87 đồng chí chia làm 2 trung đội (1 trung đội nam, 1 trung đội nữ), 1 tổ trinh sát, 1 tổ thông tin, 1 tổ cấp cứu tải thương. Trung đội nữ gồm 24 đồng chí do đồng chí Nguyễn Thị Tình làm trung đội trưởng, đồng chí Trương Thị Nhàn làm trung đội phó, đồng chí Ngô Thị Hồ làm chính trị viên,vũ khí trang bị cho trung đội nữ gồm: súng máy 12ly7, súng máy 14ly5, súng trường K44, cáng cứu thương, túi cứu thương...

Trung đội nữ dân quân thuộc đại đội dân quân phòng không xã Lam Hạ vừa độc lập tác chiến, vừa chiến đấu trong đội hình bộ đội chủ lực. Các chiến sỹ nữ dân quân được phân công trong các trận địa pháo của bộ đội chủ lực như sau: trận địa pháo 37 ly 7 chiến sỹ, hai trận địa pháo 57ly và 100ly mỗi trận địa 6 chiến sỹ .

Ở mỗi trận địa các nữ dân quân được phân công ở các vị trí chiến đấu khác nhau như vị trí pháo thủ, cứu thương, tiếp đạn...

Đại đội dân quân phòng không xã Lam Hạ được bố trí hoạt động tại địa điểm thôn Đình Tràng, xã Lam Hạ, phía sau khu vực trận địa pháo 37ly, đại đội có nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa tổ chức huấn luyện pháo thủ từ số 1 đến số 6, phục vụ và trực tiếp chiến đấu, huấn luyện, xây dựng và củng cố các trận địa pháo phòng không 37ly, 57ly và 100ly trên địa bàn xã, vận chuyển phương tiện kỹ thuật, đạn dược, cứu chữa thương bệnh binh, phối hợp với các đơn vị bộ đội pháo phòng không Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 250 của Tỉnh đội Nam Hà có nhiệm vụ bảo vệ 2km đường Quốc lộ 1A, 3km đường xe lửa, 3km đường đê Bắc Châu Giang, đường đê sông Đáy, cầu Phủ Lý...

 Trong suốt 7 năm chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1965 - 1972) mặc cho mưa bom của giặc Mỹ trút xuống trận địa suốt ngày đêm, lực lượng dân quân phòng không xã Lam Hạ vẫn kiên cường bám trụ, chiến đấu anh dũng đê bảo vệ an toàn các mục tiêu được giao.

II. CÁC TRẬN CHIẾN ĐẤU TIÊU BIỂU VÀ SỰ HY SINH ANH DŨNG CỦA 10 NỮ LIỆT SỸ DÂN QUÂN LAM HA

1. Trận đánh ngày 01/10/1966

Đầu năm 1966, sau nhiều ngày đánh phá thị xã Ninh Bình, không quân Mỹ tiếp tục tăng cường đánh phá thị xã Hà Nam, nhằm cắt đứt con đường chi viện sức người, sức của cho chiến trường Miền Nam.

Về phía ta, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh luôn chủ động sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ các mục tiêu quan trọng như cầu Phủ Lý, cầu phao bắc qua sông Châu, đường quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh.

Các trận địa pháo phòng không dân quân xã Lam Hạ được đánh giá là những vị trí chiến đấu quan trọng, do vậy luôn được sự lãnh đạo trực tiếp và kiểm tra thường xuyên của Thường vụ huyện uỷ, Thường trực Uỷ ban Hành chính huyện Duy Tiên. Ban chỉ huy quân sự huyện đã cử đồng chí Nguyễn Đức Trọng chính trị viên phó huyện đội xuống địa bàn trực tiếp kiểm tra việc sẵn sàng chiến đấu. Thường vụ Đảng uỷ xã Tiên Hoà cử đồng chí Đặng Bảng Nhãn là Bí thư Đảng uỷ xã và đồng chí Đặng Văn Mùi xã đội trưởng xuống ở địa bàn thôn Đình Tràng để trực tiếp chỉ huy phối hợp chiến đấu.

Khoảng 6h15 phút ngày 01/10/1966, máy bay Mỹ ồ ạt xuất hiện, gầm rít trên bầu trời thị xã Hà Nam. Sau tiếng còi báo động, chị Trương Thị Nhàn - Trung đội phó của trung đội nữ dân quân chỉ kịp dặn bố mẹ vào hầm trú ẩn rồi lao vào trận địa, các chị em khác cũng nhanh chóng chạy vào vị trí chiến đấu. Máy bay Mỹ lợi dụng thời tiết sương mù che khuất và ngược sáng mặt trời chia làm các hướng tấn công ồ ạt vào vùng trời thị xã, chúng đã ném trên 200 quả bom (loại từ 50 đến 1000kg) chủ yếu là bom bi, bom sát thương vào các địa điểm: cầu Phủ Lý; trụ sở Ủy ban hành chính Thị xã và các trận địa pháo phòng không phía bắc thị xã như trận địa phòng không 37ly, 57ly thôn Đình Tràng và Hòa Lạc. Bom dội xuống dồn dập khiến tất cả các đường dây điện thoại chỉ huy chiến đấu của ta đều bị đứt. Nhưng ở các trận địa pháo phòng không, các chiến sỹ dân quân cùng bộ đội chủ lực kiên cường bám trụ bắn trả quyết liệt.

 Đợt oanh kích thứ nhất vừa chấm dứt, máy bay Mỹ lại tiếp tục tấn công đợt hai, đợt ba. Từng tốp từ 7 - 12 chiếc ạt đánh phá thị xã Hà Nam và các trận địa phòng không. Dưới mặt đất các chiến sỹ dân quân quyết liệt bắn trả, đạn cao xạ như lưới lửa đan bầu trời làm máy bay Mỹ phải quay đầu tháo chạy. Tuy nhiên, đến 9h45 phút chúng lại quay trở lại tấn công các mục tiêu của ta nhiều lần, chúng gồm 8 máy bay ném bom bắn phá các trận địa pháo phòng không xã Lam Hạ. Lúc đó, lực lượng dân quân và bộ đội chủ lực của ta kiên cường chiến đấu, bắn trả các đợt oanh kích của không quân Mỹ. Đang trong lúc chiến đấu thì khẩu đội 1 và của trận địa pháo phòng không 37ly bị hết đạn, chị Trương Thị Nhàn - trung đội phó nữ dân quân và đồng đội chạy đi tiếp đạn, khi về đến khẩu đội 4 thì bỗng nghe tiếng bom nổ trùm lên khẩu đội 1 và khẩu đội 2 của trận địa pháo phòng không 37ly, trong phút chốc đã cướp đi sinh mang 06 nữ chiến sỹ dân quân Lam Hạ là các chị: Đinh Thị Tâm, Phan Thị Tuyết, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi, Phạm Thị Lan, Vũ Thị Thanh Phương và nhiều đồng chí bộ đội chủ lực, dân quân đang chiến đấu tại trận địa, trong số đó còn có đồng chí chính trị viên huyện đội Nguyễn Đức Trọng, Bí thư Đảng uỷ kiêm chính trị viên xã đội Đặng Bảng Nhãn... Các chiến sỹ nữ dân quân Lam Hạ đã hy sinh anh dũng trong tư thế đứng thẳng trên mâm pháo mặc dù thân thể không còn nguyên vẹn. Chị Phan Thị Tuyết bị bom phạt mất đầu, chị Đinh Thị Tâm bị bom phá toang lồng bụng mà mắt vẫn mở, tay vẫn ầm đạn pháo chuẩn bị nạp bắn, chị Nguyễn Thị Thu hy sinh gay vị trí chiến đấu trên mâm pháo mà mắt vẫn nhìn lên bầu trời, chị Nguyễn Thị Thi là em gái chị Thu bị mảnh bom hạt ngang bụng và đứt lìa chân, khi về bệnh xá chị còn nói ngay với anh ruột “Thôi anh cứ để em nằm đây mà trở về vị trí chiến đấu để trả thù cho đồng đội và em”, chị Nguyễn Thị Thi khi biết mình không qua khỏi chị đã nghẹn ngào nói với bác sỹ rằng “Em biết em không thể sống nổi được nữa đâu. Các anh dùng thuốc mê cho các đồng chí khác. Các anh cứ cưa chân em đi, không cần gây mê đâu, em chịu được mà”. Mặc dù được các y, bác sỹ tận tình cứu chữa nhưng do vết thương quá nặng nên ngay trong đêm hôm đó chị đã hy sinh khi chưa tròn 16 tuổi. Càng đau thương hơn nữa khi chị Phạm Thị Lan lúc hy sinh đang mang thai đứa con đầu lòng được 3 tháng.

Lúc này máy bay Mỹ vẫn tiếp tục đánh phá dữ dội các trận địa pháo phòng không, đội nữ dân quân dự bị của thôn Đình Tràng gồm các chiến sỹ Hồ, Thảo, Nhu, Ân, Chai, Mên, Mến, Hoà đã không quản nguy hiểm lao vào thay thế các pháo thủ đã hy sinh để tiếp tục chiến đấu. Các chị đã cùng lực lượng bộ đội chủ lực chiến đấu rất kiên cường, đến 4h chiều cùng ngày máy bay Mỹ đã phải quay đầu tháo chạy.

Trải qua 5 trận chiến đấu trong một ngày, đại đội dân quân phòng không xã Lam Hạ đã kiên cường, dũng cảm góp phần cùng bộ đội chủ lực bắn rơi 2 máy bay A4 của Mỹ, bắt sống 2 giặc lái, bảo vệ an toàn mục tiêu được giao.

2. Trận đánh ngày 9/10/1966

Tám ngày sau, vào sáng ngày 09/10/1966 các tốp máy bay Mỹ lại chia làm 7 phi đội với 60 máy bay dồn dập dội bom xuống các mục tiêu, cơ sở hạ tầng của thị xã Hà Nam. Các trận địa pháo phòng không 57ly thôn Hòa Lạc và 100ly thôn Đường Ấm đã phát hiện nổ súng kịp thời ngăn chúng đánh phá cầu Phủ Lý. Không phá huỷ được cầu Phủ Lý, chúng quay ra tập kích nhằm vào mục tiêu trận địa pháo 57ly, 100ly. Đến khoảng 8h30 khẩu đội 2 của trận địa pháo phòng không 100ly bị trúng bom. Ba chiến sỹ nữ dân quân Lam Hạ là chị Nguyễn Thị Thuận, Trần Thị Thẹp và Nguyễn Thị Oánh và một số bộ đội chủ lực đã hy sinh. Trong trận này lực lượng dân quân cùng bộ đội chủ lực của ta đã bắn rơi 2 máy bay F4H, bảo vệ vững chắc cầu Phủ Lý.

3.Trận đánh ngày 07/7/1967

Tiếp tục thực hiện mưu đồ phá huỷ các trọng điểm giao thông và cơ sở hạ tầng trên địa bàn thị xã Hà Nam, trưa ngày 07/7/1967 hàng chục tốp máy bay Mỹ lại điên cuồng bắn phá thị xã. Lần này, chúng tập trung đánh phá trận địa pháo phòng không 57ly thôn Hòa Lạc hòng phá huỷ, làm tê liệt lưới lửa phòng không của ta.

Cũng như các trận đánh khác, lực lượng phòng không của ta trên địa bàn xã Lam Hạ vẫn kiên cường chiến đấu, quyết không dời trận địa.

Sau gần một ngày chiến đấu quyết liệt, bộ đội phòng không và dân quân xã Lam Hạ đã chiến đấu dũng cảm bắn cháy 1 máy bay A4. Ở trận đánh này nữ chiến sỹ dân quân thứ 10 của xã Lam Hạ là chị Đặng Thị Chung đã hy sinh anh dũng. Chị bị mảnh bom phạt mất đầu, chết đứng trong tư thế đang quay cự ly nòng pháo để bắn máy bay.

III. NHỮNG PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ CỦA QUÂN VÀ DÂN XÃ LAM HẠ NÓI CHUNG, LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN NÓI RIÊNG (giai đoạn 1965 - 1972) ĐÃ ĐƯỢC ĐẢNG, NHÀ NƯỚC TRAO TẶNG

* Trong quá trình tham gia, phục vụ chiến đấu, đại đội dân quân phòng không xã Lam Hạ đã lập nhiều chiến công, được Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý:

- 02 Huân chương Chiến công hạng Nhì.

- 01 Huân chương Chiến công hạng Ba.

- 02 năm 1966 - 1967, được thưởng Cờ luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

- 07 năm liên tục từ 1965 - 1972, được thưởng Cờ luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

- 07 năm liên tục từ 1965 - 1972, trận địa phòng không thôn Đình Tràng được Quân khu III khen thưởng “Trận địa phòng không quyết thắng”.

- Năm 2010 được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

- Năm 2010 Liệt sỹ Nguyễn Thị Thi được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

- Ngày 18/8/2016, Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đã ký Quyết định số 2892/QĐ-BVHTT&DL về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia trận địa pháo phòng không Lam Hạ (1965 - 1972), phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

* Đối với xã Lam Hạ (nay là phường Lam Hạ)

- 06 năm liên tục 1966 - 1972, Hội Phụ nữ xã Lam Hạ được tặng cờ “Phụ nữ ba đảm đang”.

- Năm 1998, Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Lam Hạ được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

(Đền thờ 10 nữ liệt sỹ dân quân Lam Hạ)

IV. KHU ĐỀN THỜ LIỆT SỸ VÀ DI TÍCH LỊCH SỬ, VĂN HÓA TỈNH HÀ NAM

Trận địa pháo phòng không ghi dấu chiến công của 10 nữ liệt sỹ dân quân Lam Hạ là chứng tích lịch sử ghi dấu chiến công của các chiến sỹ, bộ đội, dân quân địa phương trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ở miền Bắc nước ta. Đây là một địa chỉ đỏ, một biểu tượng cao đẹp của đức hy sinh và lòng dũng cảm, của tinh thần đoàn kết quân dân trong cuộc kháng chiến chống tưới Mỹ cứu nước trên địa bàn Hà Nam (giai đoạn 1965 - 1972) là một trong những dấu ấn lịch sử, đó là niềm tự hào của nhân dân Hà Nam.

Để tỏ lòng tri ân và biết ơn các Anh hùng liệt sỹ tỉnh Hà Nam nói chung và các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trên trận địa pháo phòng không Lam Hạ năm xưa, cùng những công lao đóng góp của các gia đình liệt sỹ và nhân dân địa phương trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ mai sau; Ngày 9/3/2009 Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu đền thờ Liệt sỹ và di tích lịch sử, văn hóa tỉnh Hà Nam, tại địa điểm trận địa pháo phòng không ghi dấu sự hy sinh của 10 nữ dân quân Lam Hạ trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ (giai đoạn 1965 - 1972).

Tổng diện tích sử dụng đất theo quy hoạch là 18,7ha, chia làm 3 khu chức năng: Khu bảo tồn, khu tái hiện di tích và khu tôn tạo với nhiều công trình như: Đền thờ Bác Hồ và các Anh hùng liệt sỹ, miếu thờ 10 nữ liệt sỹ dân quân Lam Hạ, trận địa pháo phòng không, quảng trường trung tâm, vườn ổi và khu nhà cổ truyền, nhà điều hành, khu trưng bày, khu dịch vụ... với tổng mức đầu tư được phê duyệt là 99 tỷ đồng chia làm 2 giai đoạn.

Đến nay khu quy hoạch này đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 với tổng diện tích 3,5ha bao gồm các công trình chính: Đền thờ các Anh hùng liệt sỹ tỉnh Hà Nam, miếu thờ 10 nữ liệt sỹ dân quân Lam Hạ, tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, lầu chuông, gác trống, nhà tả hữu vu, cầu đá, đường xung quanh đền, bãi đỗ xe... với giá trị thực hiện khoảng 42 tỷ đồng. Hai công trình tiêu biểu gồm:

* Đền thờ các anh hùng liệt sỹ tỉnh Hà Nam: Ngôi đền quay hướng Đông. Phía trước là cổng đền được xây dựng quy mô đồ sộ, phần trên cổng tạo thành mái với các đầu đao cong vút, hai bên nối với tường hai trụ biểu có nghê chầu. Phần dưới cổng cuốn vòm chia làm 3 cửa, cửa chính rộng 3,3m, hai cửa tả và hữu đăng đối rộng 1,50m. Đối xứng hai bên là lầu chuông và gác trống, xây dựng kiểu phương đình, phần mái chồng diêm 2 tầng, 8 mái. Hai dãy nhà tả vu, hữu vụ được xây dựng đối xứng, mỗi dãy gồm 9 gian 2 dĩ, kết cấu kiến trúc kiểu vì kèo kẻ bảy.

Công trình kiến trúc Đền thờ các anh hùng liệt sỹ tỉnh Hà Nam gồm 2 tòa, tiền đường 7 gian có tổng chiều dài 26m; rộng 9,3m, hậu cung 3 gian có chiều dài 7,8m; rộng 6,6m, ai tòa đều xây chồng diêm hai tầng 8 mái, mái lợp ngói am. Kết cấu kiến trúc các vì kiểu chồng rường, ba gian giữa làm 3 chuồng cửa thượng song hạ bản bằng gỗ lim. Trong lền thờ đặt các bia ghi tên hơn 17 ngàn anh hùng liệt sỹ tạ trong toàn tỉnh chia theo các huyện, thành phố. Trong hậu cung đặt khám thờ tượng Bác Hồ bằng đồng, ban thờ công các anh hùng Liệt sỹ và 10 đôi câu đối.

* Miếu thờ 10 nữ liệt sỹ dân quân Lam Hạ: Miếu thờ được xây dựng trên khu đất quy hoạch, cách Đền thờ các anh hùng liệt sỹ tỉnh Hà Nam 50m về phía Bắc.

Công trình kiến trúc miếu gồm hai tòa, tòa tiền đường  gian, hậu cung 1 gian. Tòa tiền đường 3 gian, có chiều dài,4m; rộng 4,2m, bốn mái cong, nền lát gạch bát tràng, cửa gian giữa làm kiểu thượng song hạ bản, 2 gian bên có hai cửa sổ làm chấn song, các vì nóc làm kiểu chồng rường con thị, chính gian giữa tiền đường đặt ban thờ cộng đồng, trên đường tiền đường có treo ảnh chân dung 10 nữ liệt sỹ dân quân Lam Hạ bằng đá Granit. Hậu cung 1 gian dài 2,1m; rộng 1,8m, xây bít đốc, mái lợp ngói nam, nền lát gạch bát tràng, hậu cung đặt ban thờ 10 nữ Liệt sỹ dân quân Lam Hạ, trên ban thờ có bài vị, trên bài vị ghi tên các Liệt sỹ bằng chữ Hán.

Các công trình trên đã bàn giao cho phường Lam Hạ quản lý, tổ chức đón các đoàn khách và Nhân dân trong, ngoài tỉnh đến dâng hương và thăm quan. Tại nơi đây, hàng năm vào các ngày kỷ niệm lớn của đất nước và địa phương, ngày lễ tết như ngày 30/4; 1/5; 27/7; 2/9, 1/10 (dương lịch) và ngày giỗ của 10 nữ liệt sỹ dân quân Lam Hạ, các gia đình thân nhân và Nhân dân địa phương cùng các cấp lãnh đạo Trung ương, tỉnh Hà Nam, thành phố Phủ Lý, phường Lam Hạ, các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tổ chức dâng hương, lễ cầu siêu, thắp nến tri ân, thả đèn hoa đăng cùng nhiều hoạt động có ý nghĩa khác để tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam về việc điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch tổng thể khu đền thờ các Anh hùng liệt sỹ và di tích lịch sử, văn hóa tỉnh theo hướng kết nối với các công trình văn hóa tâm linh trong khu vực trở thành địa điểm giáo dục truyền thống lịch sử, địa chỉ du lịch hấp dẫn; Ngày 01/7/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đền thờ liệt sỹ và di tích lịch sử, văn hóa tỉnh. Hiện nay, thành phố Phủ Lý đang tập trung cao độ việc tổ chức triển khai thực hiện công tác Giải phóng mặt bằng để xây dựng nhiều hạng mục công trình như: kè toàn bộ hệ thống hồ và đường dạo xung quanh khu di tích, triển khai quy hoạch mặt bằng xây dựng khu quảng trường trung tâm, tượng đài 10 nữ liệt sỹ dân quân Lam Hạ, nhà lưu niệm đồng chí Lương Khánh Thiện, khu đón tiếp khách, khu dịch vụ, khu trưng bày, hệ thống giao ông, cấp nước, cấp điện, thu gom chất thải rắn, trồng iy xanh... Dự kiến toàn bộ quy hoạch khu đền thờ các anh hùng liệt sỹ và di tích lịch sử, văn hóa tỉnh sẽ được hoàn thành trước năm 2020.

DANH SÁCH 10 NỮ LIỆT SỸ DÂN QUÂN LAM HẠ

 

STT

 

Họ và tên

 

Năm sinh

 

Quê quán

 

Vị trí chiến đấu

 

Ngày, địa điểm hy sinh

 

Danh hiệu Nhà nước truy tặng

Thân nhân thờ cúng

1

Nguyễn Thị

Nhi

1950

Thôn Đình

Tràng

Xã Lam Hạ (nay là tổ dân phố Đình Tràng , phường Lam Hạ thành phố Phủ Lý)

Pháo thủ trận địa pháo phòng không 37ly thôn Đình Tràng

01/10/1966 Tại địa trận pháo phòng không 37ly thôn Đình Tràng

- Huân chương chiến công hạng Ba, theo quyết định số 54 ngày 18/6/1967 của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký.

- Huân chương kháng chiến hạng Ba, theo quyết định số 899 ngày 21/8/1986, Chủ tịch Trường Chinh ký.

- Chủ tịch nước truy tặng tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân theo quyết định số 212, ngày 23/02/2010, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết ký.

Ông Nguyễn

Văn Kiên

-cháu Liệt sỹ

2

Nguyễn Thị Thu

1948

Thôn Đình Tràng, xã Lam Hạ (nay là tổ dân phố Đình Tràng , phường Lam Hạ thành phố Phủ Lý)

Pháo thủ trận địa pháo phòng không 37ly thôn Đình Tràng

01/10/

1966 Tại địa trận pháo phòng không 37ly thôn Đình Tràng

- Bằng khen của Uỷ ban hành chính tỉnh Hà Nam tặng – theo quyết định số 18, ngày 17/10/1966, Chủ tịch Phan Điền ký.

- Huân chương kháng chiến hạng Ba, theo Quyết định số 899 ngày 21/8/1986, Chủ tịch Trường Chinh ký.

Ông Nguyễn

Văn Kiên – cháu Liệt sỹ

 

 

3

Đinh Thị Tâm

1948

Thôn Đình Tràng, xã Lam Hạ (nay là tổ dân phố Đình Tràng , phường Lam Hạ thành phố Phủ Lý)

Pháo thủ trận địa pháo 37ly, thôn Đình Tràng

01/10/1966 Tại địa trận pháo phòng không 37ly thôn Đình Tràng

- Huân chương kháng chiến hạng Ba, theo Quyết định số 899 ngày 21/8/1986, Chủ tịch Trường Chinh ký.

Ông Văn Nhẫn – em trai Liệt sỹ

 

4

Phan Thị Tuyết

1947

Thôn Lạc Tràng, xã Lam Hạ (nay là tổ 5, phường Quang Trung, thành phố Phủ Lý)

Pháo thủ trận địa pháo phòng không 37ly thôn Đình Tràng

01/10/1966 tại trận địa pháo phòng không 37ly thôn Đình Tràng

- Huân chương kháng chiến hạng Ba, theo  Quyết định số 899 ngày 21/8/1986, Chủ tịch Trường Chinh ký

Bà Nguyễn Thị Chích – Mẹ liệt sỹ (nay cả gia đình đã chuyển lên tỉnh Phú Thọ)

5

Phạm Thị Lan

1944

Thôn Lạc Tràng, xã Lam Hạ (nay là tổ 6, phường Quang Trung, thành phố Phủ Lý)

Pháo thủ trận địa pháo phòng không 37ly thôn Đình Tràng

01/10/1966 tại trận địa pháo phòng không 37ly thôn Đình Tràng

- Huân chương kháng chiến hạng Ba, theo  Quyết định số 899 ngày 21/8/1986, Chủ tịch Trường Chinh ký

Ông Nguyễn Quang Huy – chồng Liệt sỹ

6

Vũ Thị Thanh Phương

1943

Thôn Lạc Tràng, xã Lam Hạ (nay là tổ 5, phường Quang Trung, thành phố Phủ Lý)

Pháo thủ trận địa pháo phòng không 37ly thôn Đình Tràng

01/10/1966 tại trận địa pháo phòng không 37ly thôn Đình Tràng

- Huân chương kháng chiến hạng Ba, theo  Quyết định số 15 ngày 06/02/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký.

- Huân chương kháng chiến hạng Ba, theo  Quyết định số 899 ngày 21/8/1986, Chủ tịch Trường Chinh ký

Ông Vũ Mạnh Phu – Em trai Liệt sỹ

7

Trần Thị Thẹp

1944

Thôn Đường Ấm, xã Lam Hạ (nay là tổ dân phố Đường Ấm, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý)

Pháo thủ trận địa pháo phòng không 100ly thôn Đường Ấm

09/10/1966 tại trận địa pháo phòng không 100ly thôn Đường Ấm

- Huân chương kháng chiến hạng Ba, theo  Quyết định số 899 ngày 21/8/1986, Chủ tịch Trường Chinh ký.

Bà Trần Thị Kim – chị dâu Liệt sỹ

8

Nguyễn Thị Oánh

1942

Thôn Đường Ấm, xã Lam Hạ (nay là tổ dân phố Đường Ấm, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý)

Pháo thủ trận địa pháo phòng không 100ly thôn Đường Ấm

09/10/1966 tại trận địa pháo phòng không 100ly thôn Đường Ấm

- Huân chương kháng chiến hạng Ba, theo  Quyết định số 899 ngày 21/8/1986, Chủ tịch Trường Chinh ký.

Ông Nguyễn Đình Tuế

- em trai Liệt sỹ

9

Nguyễn Thị Thuận

1948

Thôn Đường Ấm, xã Lam Hạ (nay là tổ dân phố Đường Ấm, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý)

Pháo thủ trận địa pháo phòng không 100ly thôn Đường Ấm

09/10/1966 tại trận địa pháo phòng không 100ly thôn Đường Ấm

- Huân chương kháng chiến hạng Ba, theo  Quyết định số 899 ngày 21/8/1986, Chủ tịch Trường Chinh ký.

Ông Nguyễn Văn Phước – Em trai Liệt sỹ

10

Đặng Thị Chung

1944

Thôn Hoà Lạc, xã Lam Hạ (nay là tổ dân phố Hoà Lạc, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý)

Pháo thủ trận địa pháo phòng không 57ly thôn Hoà Lạc

07/7/1967 tại trận địa pháo phòng không 57ly thôn Hoà Lạc

- Huân chương kháng chiến hạng Ba, theo  Quyết định số 899 ngày 21/8/1986, Chủ tịch Trường Chinh ký.

Ông Nguyễn Văn Nga – Em trai Liệt sỹ

  

Nguồn: THÀNH ỦY - HĐND- UBND THÀNH PHỐ PHỦ LÝ
 

Liên kết website

2021
hoc tap va lam theo oi Bac
Theo dấu chân Bác
llct
quản lý văn bàn
facebook
can bo doan
cac mo hinh kinh te
nhip song tre
phap luat
Mỗi ngày một tin tốt - Mỗi tuần một câu chuyện đẹp
Học sinh 3 tốt
Kênh tư vấn tâm lý cho thanh thiếu nhi
Thư viện nhạc, phim

Skip to main content