Học sinh Trường THCS xã Thanh Thủy (Thanh Liêm) cho heo đất “ăn” để gây quỹ mua xe đạp tặng bạn nghèo.

 

Thực hiện sự chỉ đạo của Hội đồng Đội tỉnh, ngay từ đầu năm học, các liên đội trên địa bàn tỉnh đều đồng loạt phát động đội viên thực hiện mô hình "Xe đạp 1.000 đồng". Căn cứ thực tế, mỗi trường có những cách thức tổ chức thực hiện khác nhau như nuôi lợn đất, thu gom phế liệu… để gây quỹ mua xe đạp tặng các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học khá, giỏi. Một năm có thể tổ chức trao tặng 1-2 lần tùy thuộc vào số tiền tiết kiệm được. Thông qua phong trào, ngoài mục đích ủng hộ một phần nhỏ vật chất để giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn thì ý nghĩa lớn lao hơn nữa là sự động viên tinh thần các em, tiếp thêm động lực và niềm tin nhằm giúp các em tiến bộ hơn trong học tập và tự tin trong cuộc sống.

Mặt khác, giáo dục tinh thần tương thân tương ái, biết giúp đỡ những người gặp khó khăn, tăng cường tinh thần đoàn kết, thân ái và nhận thức về trách nhiệm với bạn bè, với cộng đồng cho học sinh. Với tính nhân văn sâu sắc, mỗi chiếc xe đạp trao đi không chỉ người nhận cảm thấy ấm lòng mà người tặng cũng thêm vui. Mô hình được đánh giá là một trong các hoạt động sáng tạo, thiết thực của thiếu nhi Hà Nam thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy, góp phần đẩy mạnh phong trào rèn luyện, học tập trong mỗi nhà trường.

Không chỉ nằm trong tốp đầu các trường của huyện về chất lượng dạy và học, Trường THCS Thanh Thủy (Thanh Liêm) còn là đơn vị điển hình về hoạt động đoàn, đội. Bắt đầu triển khai từ năm học 2015-2016, mô hình "Xe đạp 1.000 đồng" nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của học sinh toàn trường. Ngay trong lễ chào cờ của tuần học đầu tiên năm học mới, trường đã tổ chức phát động mô hình, đồng thời hỗ trợ mỗi lớp một lợn đất để “nuôi” trong suốt năm học. Theo đó, các lớp sẽ đồng loạt "cho heo ăn" vào cuối giờ chào cờ tuần đầu tiên của tháng với phần tiền tiết kiệm ăn sáng, tiền tiêu vặt…

Theo cô giáo Vũ Thị Khanh, Hiệu trưởng nhà trường, mỗi năm học, nhà trường, liên đội đều phát động các em học sinh tiết kiệm 1.000 đồng/tháng để gây quỹ giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường. Dù chỉ là 1.000 đồng nhưng thông qua hoạt động, học sinh được rèn luyện hình thành lối sống tiết kiệm, biết quan tâm và chia sẻ khó khăn với mọi người xung quanh. Trên thực tế, nội dung phong trào tiết kiệm được học sinh tự chuyển hóa bằng những hành động thiết thực hằng ngày.

Trong năm học vừa qua, hơn 350 học sinh của trường đã tiết kiệm được 2,9 triệu đồng dành để mua 3 chiếc xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngay trong lễ tổng kết năm học, đại diện hội khuyến học, đoàn thanh niên xã đều được mời tham dự và trực tiếp trao tặng xe đạp cho các em. Không chỉ là một học sinh chăm ngoan, học giỏi, em Trần Thị Hiền, lớp 8A còn tích cực tham gia các hoạt động do liên đội tổ chức. Hiện, em là thành viên trong đội danh dự của trường, tham gia biểu diễn ở rất nhiều các sự kiện của trường và địa phương. Chia sẻ với chúng tôi, em Hiền cho biết: Bố em mất lúc em mới một tháng tuổi, mẹ một mình nuôi 3 chị em ăn học, hoàn cảnh gia đình thực sự khó khăn. Mẹ em hiện làm công nhân tại Công ty Môi trường Ba An nên thu nhập cũng chỉ đủ sinh hoạt. Được tặng chiếc xe đạp mới, em rất vui vì được bạn bè, thầy cô quan tâm. Qua đó tiếp thêm động lực để em vững bước hơn trên con đường học tập.

1.000 đồng có khi chẳng đủ mua một mớ rau. Nhưng khi nó được dồn góp bởi những tấm lòng biết yêu thương, chia sẻ của các em học sinh thì nó có thể làm nên những điều thật lớn lao. Nó dạy các bạn nhỏ biết yêu thương, thấu hiểu nhiều hơn với những hoàn cảnh kém may mắn. Từ những giá trị nhân văn mà mô hình mang lại, mong rằng không chỉ có học sinh mà thầy cô và cả các bậc phụ huynh sẽ đều chung tay giúp đỡ trẻ em nghèo bằng những hành động thiết thực, cụ thể để nâng cánh cho ước mơ của các em được bay cao, bay xa…

Hoàng Hải